Lấy ghế đá ngăn xe buýt đi vào hẻm

Đường Trục - hẻm 41, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM vốn là hẻm nhỏ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong hẻm. Tuy nhiên, trong khoảng hai tuần nay, bỗng nhiên xe buýt  tuyến số 31 đi lại qua hẻm để đón khách mà cư dân không hề được thông báo.

Xe buýt đi vào đường hẻm gây nguy hiểm

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường Trục - hẻm 41 là đường hẻm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên hẻm 41, phường 13, quận Bình Thạnh. Hẻm 41 rộng 5 m, kết nối với đường đi vào Trường ĐH Văn Lang (Cơ sở 3) cách hẻm khoảng 300 m.

Theo người dân, đây vốn là con đường phục vụ việc đi lại của người dân trong khu vực nên rất ít phương tiện đi lại. Tuy nhiên, gần đây bỗng nhiên xuất hiện xe buýt số 31 đi vào Trường ĐH Văn Lang để đón khách.

Chị NTH trình bày: “Nhà chúng tôi ở khu vực này khổ hơn những hẻm khác. Đường thì trũng, nhà cao hơn mặt đường nên mỗi lần đi từ nhà ra đường cực kỳ nguy hiểm. Bỗng một ngày tôi đi xe ra đường, tự dưng một chiếc xe buýt lao tới khiến tôi giật mình suýt té. Lúc đó tôi chỉ nghĩ xe buýt đi qua đây để quay đầu xe, ai ngờ cứ 15 phút lại có một chuyến xe qua lại hẻm”.

Sở dĩ chị NTH không đồng ý với việc xe buýt di chuyển vào hẻm là do con đường quá nhỏ, không có sự tham vấn hay thông báo cho người dân trong việc xe buýt đi vào khu dân cư. Hơn hết, tuyến đường này có nhiều người tập thể dục, trẻ con đạp xe, chơi dưới đường nên có thể gây mất an toàn giao thông. Trước tình hình đó, người dân trong đường Trục - hẻm 41 đã lấy ghế đá và thùng hộp các loại chặn đường để ngăn cản xe buýt đi lại trên đoạn đường này.

Người dân lấy ghế đá chặn xe buýt, không cho đi vào đường hẻm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đã thay đổi lộ trình xe buýt

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên Trường ĐH Văn Lang (Cơ sở 3), trung tâm đã phối hợp với HTX, UBND phường 13, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 để tiến hành khảo sát. Ban đầu đoàn khảo sát đã lựa chọn tuyến đường Trục - hẻm 41 cho tuyến xe buýt số 31 chạy qua. Đây là tuyến đường ngắn nhất để kết nối với trường đại học, từ đó sẽ tiết kiệm chi phí.

Ông Trung bày tỏ: Khi thay đổi lộ trình tuyến, trung tâm đã yêu cầu các xe phải di chuyển với tốc độ chậm và hạn chế sử dụng còi nhằm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự trong khu dân cư.

Tuy nhiên, hiện nay Trường ĐH Văn Lang vẫn chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối với các tuyến đường chính là Phạm Văn Đồng. Vì vậy, trung tâm và Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã yêu cầu Trường ĐH Văn Lang sớm hoàn thành kết nối hạ tầng.

“Sau khi dân phản ứng, trung tâm đã cùng với UBND quận Bình Thạnh rà soát các tuyến đường lân cận để tìm ra lộ trình phù hợp nhất. Tại cuộc họp ngày 10-8, các bên đã thống nhất thay đổi lộ trình xe buýt. Cụ thể, xe buýt sẽ không đi qua đường Trục - hẻm 41 mà thay thế bằng đường số 1 gần đó” - ông Trung nói.

Các bước thay đổi tuyến buýt

Đầu tiên, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP sẽ phối hợp với HTX vận tải, Khu quản lý giao thông đô thị và chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu thực tế, lộ trình sao cho phù hợp.

Thứ hai, trung tâm sẽ trình Sở GTVT TP.HCM lộ trình chạy, lộ trình thay thế.

Thứ ba, sau khi được Sở GTVT chấp thuận sẽ tiến hành tổ chức thực hiện.

Ông TRẦN CHÍ TRUNG, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…