Lấy xe trừ nợ: Tự nguyện hay bị ép?

Cả năm nay, anh Châu Hoài Phương (xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) vẫn không đồng ý với cách xử lý của Công an huyện Mỹ Xuyên.

Bên nói Đông, bên nói Tây

Theo anh Phương, chiều ngày 2-11-2006, anh chạy chiếc xe Wave Alpha đi về nhà. Khi đến ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, anh bị bốn thanh niên chạy ngược chiều kè theo. Họ yêu cầu anh quay xe lại, có người cần gặp nhưng anh từ chối. Anh lấy điện thoại di động cầu cứu cảnh sát 113. Sợ xuống không kịp, lực lượng này đã yêu cầu Công an xã Thạnh Phú giúp đỡ anh Phương. Đến đoạn đường vắng, mấy thanh niên kia chặn đầu xe anh, bảo vợ anh thiếu gần 20 triệu đồng nên họ sẽ lấy xe trừ nợ. Bấy giờ, anh Phương nhảy xuống xe lúc máy còn đang nổ và lại gọi 113 tiếp. Lúc này, những người lạ mặt đã lấy xe anh chạy đi. 10 phút sau, hai anh công an xã Thạnh Phú chạy đến hỏi sự việc và mời anh về trụ sở. Tại đây, những người lấy xe của anh Phương cũng có mặt, trong đó có ông T., giám đốc của một công ty tư nhân.

Khi về nhà anh mới được vợ cho biết có nợ ông T. gần 20 triệu đồng. Sau đó, vào ngày 19-4-2007, vợ anh và ông T. đã hòa giải thành tại TAND huyện Mỹ Xuyên. Đúng hai tuần sau, vợ anh Phương đã trả hết số nợ trên. Còn về chiếc xe, anh Phương cho biết Công an huyện Mỹ Xuyên có mời anh đến nhận nhưng anh không đồng ý. Anh đề nghị công an huyện phải xử lý ông T. về tội cưỡng đoạt tài sản chứ không thể trả lại xe rồi “huề cả làng” được.

Tuy nhiên, ông T. cho rằng sự việc diễn ra khác hẳn với nội dung trình bày trên của anh Phương. Hôm đó, hai nhân viên của ông đi xác nhận công nợ. Khi gặp anh Phương giữa đường, họ báo cho anh biết chuyện nợ nần của vợ anh. Đôi co một lúc, anh Phương bảo: “Vậy thì lấy xe tao trừ nợ đi”. Lúc ấy, ông T. cũng có gặp anh Phương nhưng ông đến sau và ra về trước khi hai nhân viên lấy xe của anh Phương. Hôm sau, ông T. đã sai nhân viên giao nộp xe cho Công an xã Thạnh Phú nhưng nơi này không nhận, bảo phải chờ chỉ đạo của công an huyện. Ngày 17-1-2007, công an huyện có mời anh Phương đến lấy lại xe nhưng anh Phương từ chối.

Không khởi tố vụ án

Trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP.HCM vào sáng 4-12, thượng tá Huỳnh Văn Mển, Trưởng Công an huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Việc lấy xe do hai bên có tranh chấp hợp đồng. Đến giờ, khoản nợ đã được giải quyết xong, ông T. cũng tự nguyện trả xe cho anh Phương. Theo kết quả xác minh, đúng là vào chiều hôm đó người của ông T. có lấy xe máy của anh Phương nhưng hành vi này không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Khi người của ông T. lấy xe, trên xe vẫn còn chìa khóa. Chính anh Phương thách thức “cứ lấy xe để trừ nợ...”. Hiện công an huyện đang giữ chiếc xe máy vì anh Phương chưa đến nhận lại. Để kết thúc vụ việc, chúng tôi sẽ mời anh Phương đến giao quyết định không khởi tố vụ án hình sự”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét: “Để cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, người thực hiện hành vi phải dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Ở đây, ông T. không hề dùng vũ lực cũng như không đe dọa anh Phương. Sau đó ông T. đã đem xe đi trả, thể hiện ông không có ý định chiếm đoạt xe... Vì lẽ đó, ông T. không có hành vi phạm tội và công an huyện đã xử lý đúng khi không khởi tố ông T.”.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm