Long An: Khổ vì xã xác nhận sai

Mặc dù thường xuyên ở TP.HCM để kiếm kế mưu sinh nhưng hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Phương vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Long Định, huyện Cần Đước (Long An) và không hề bị cắt hộ khẩu. Tháng 7-2005, do không có nhà ở, lại là con của liệt sĩ nên để được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, ông Phương đã đến UBND xã Long Định xin xác nhận hoàn cảnh khó khăn.

Thay vì xác nhận ông Phương thường trú tại địa phương thì UBND xã Long Định lại xác nhận ông đã bỏ địa phương đi hơn 10 năm và không còn hộ khẩu tại địa phương nữa. Không đồng ý, ông Phương đề nghị UBND xã xác nhận lại nhưng không được chấp thuận.

Ông Phương liền khiếu nại đến UBND huyện Cần Đước. Báo cáo với huyện về vụ việc, UBND xã Long Định vẫn khẳng định ông Phương đã rời bỏ địa phương trên 10 năm và hiện nay không còn hộ khẩu tại địa phương. Căn cứ vào nội dung này, huyện đã bác đơn khiếu nại của ông Phương.

Vẫn không đồng ý, ông Phương khiếu nại lên UBND tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An. Trong công văn gửi sở trên vào tháng 11-2006, UBND xã Long Định lại lần nữa khẳng định ông Phương “không còn ở địa phương”.

Không dễ dàng thua cuộc, ông Phương tiếp tục khiếu nại, đồng thời gửi kèm chứng cứ là sổ hộ khẩu của mình ở địa phương vẫn còn nguyên. Đến tháng 4-2007, Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Cần Đước đã xác minh và khẳng định những xác nhận trước đó của UBND xã Long Định là hoàn toàn sai sự thật.

Cứ tưởng ông Phương chỉ gặp mỗi chuyện không may nói trên nhưng không phải vậy. Tháng 12-2006, ông Phương đến UBND xã Long Định xin xác nhận ngày mất của ông nội để làm cơ sở tính thời hiệu khởi kiện chia thừa kế thế vị. Lúc đó xã xác nhận ông nội của ông Phương mất vào tháng 12-1995. Nhưng sau đó, vào tháng 11-2007, trong công văn trả lời TAND huyện Cần Đước về ngày mất của ông nội ông Phương để tòa tính thời hiệu khởi kiện, UBND xã xác nhận lại ông nội của ông Phương mất vào tháng 9-1994. Tính theo xác nhận mới này của xã thì ông Phương đã mất quyền khởi kiện tranh chấp thừa kế vì hết thời hiệu (quá 10 năm).

Ông Phương không hài lòng với cách xác nhận trên vì trong báo cáo điều chỉnh trợ cấp cho gia đình liệt sĩ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, chính UBND xã Long Định xác nhận ông nội của ông Phương mất vào tháng 12-1995. Lại nữa, trong danh sách cấp tiền trợ cấp cho gia đình chính sách của xã vào tháng 12-1995 có tên ông nội của ông. Nếu chết vào tháng 9-1994 như xã xác nhận thì chẳng lẽ ông nội của ông đã hồi sinh để nhận trợ cấp gần một năm trời (từ tháng 9-1994 đến tháng 12-1995)?

Làm việc với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Sơn Lâm - Chủ tịch UBND xã Long Định, thừa nhận đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết khi xác nhận các giấy tờ của ông Phương. Ở vụ thứ nhất, do tin tưởng vào tham mưu của công an xã nên UBND xã đã xác nhận ông Phương không còn hộ khẩu tại địa phương. Ở vụ thứ hai, khi ông nội ông Phương mất thì gia đình không làm giấy khai tử. Trước đó, xã xác nhận ông nội ông Phương chết vào tháng 12-1995 là do được ban ấp xác nhận nên ủy ban cứ thế... ký tên, đóng dấu. Sau đó, khi điều tra lại từ những người hàng xóm và dựa vào lời khai của chú, bác ruột ông Phương, xã mới biết ông nội ông Phương chết vào tháng 9-1994.

Lời khai của hàng xóm và của chú, bác ông Phương liệu có đáng tin cậy hay không khi vụ việc xảy ra đã lâu và giữa các bên đang xảy ra tranh chấp thừa kế? Không trả lời câu hỏi này của chúng tôi nhưng ông Lâm cho biết sẽ xác nhận lại đơn của ông Phương theo đúng thực tế và ngay sau đó, xã đã làm văn bản gửi TAND huyện Cần Đước để đính chính ngày mất của ông nội ông Phương.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm