Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử

Trong kỳ thi này đã có biết bao tấm lòng người Sài Gòn giúp đỡ, hỗ trợ người nhà và các thí sinh “lai kinh ứng thí”. Chúng tôi không thể ghi nhận hết, chỉ có thể nêu ra được một số hình ảnh mà trên các nẻo đường chúng tôi bắt gặp được. Những ân tình thơm thảo đó gây xúc động lòng người.

Trường THCS-THPT Nhân Văn (17 Sơn Kỳ, quận Tân Phú) đã thuê hẳn 35 chiếc ô tô điều giáo viên đến tận những vùng xa xôi, giáp biên giới Campuchia ở Tây Ninh và Bình Phước để đưa đón gần 500 em thí sinh có hoàn cảnh khó khăn lên Sài Gòn ứng thí. Thầy cô đã về tận nhà đón các em về trường chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ mà không cần phụ huynh đi theo hay lấy bất kỳ chi phí nào. Cô Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường Nhân Văn, chia sẻ: “Từ xưa đến nay trường đã tiếp nhận rất nhiều học sinh ở Tây Ninh, Bình Phước… Việc làm của trường vừa là thiện nguyện, vừa là sự tri ân sâu sắc đến thí sinh còn khó khăn ở hai vùng quê này”.

Em Lê Tuấn Anh (ở TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) lên TP.HCM vào ngày 29-6, ở trọ cùng tám người bạn, được nhận cơm chay từ các tình nguyện viên ở điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, phường 4, quận Tân Bình.

Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử ảnh 2

Chú Ngô Thanh Lâm chạy xe ôm tại Bến xe Miền Đông đã nhiều năm hỗ trợ các sĩ tử và phụ huynh bằng cách giảm một nửa giá.

Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử ảnh 3

Các tình nguyện viên tại điểm thi Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM cùng nắm tay xếp thành hàng tạo nên dải phân cách trên đường mặc cho mưa nắng; làm xe ôm đưa thí sinh đến trường thi miễn phí khi các em đến nhầm trường. Ảnh trong bài: NT - HG

Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử ảnh 4

Cô Nguyễn Thị Trà, quản lý nội trú tại Trường THCS-THPT Nhân Văn (17 Sơn Kỳ, quận Tân Phú) sửa soạn chỗ ngủ cho các thí sinh.

Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử ảnh 5

Bé Huỳnh Thị Ái Mỹ (10 tuổi, Trường Tiểu học Lam Sơn) thức dậy muộn, sáng lật đật chạy qua giúp mấy anh chị tình nguyện viên gói canh gửi cho các anh chị đi thi.

Còn nhà cô Dương Tố Nữ (bán gạo nên gọi là cô Út Gạo, ở đường M29, cư xá Phú Lâm A, phường 12, quận 6, TP.HCM) thì tấp nập người từ 3 giờ sáng. Trong đó, những em học sinh lớp 9, lớp 10 trong khắp phường, các bạn tình nguyện viên cũng có mặt để chung tay chuẩn bị 1.700 suất cơm miễn phí cho các thí sinh. Dù bận rộn nhưng ai cũng nở nụ cười ấm áp. Bà Trương Thị Liễu (78 tuổi) có mặt từ sớm nhặt rau, cắt đậu hũ. “Những việc bà còn làm được thì bà làm, chứ mấy đứa nhỏ đi thi xa nhà, tội nghiệp” - bà nói. Ngồi nhặt rau bên cạnh, bà Thái Thị Hường (73 tuổi) đùa: “Bà đến sớm mệt thì ngồi nghỉ đi nha, tui làm cho. Ốm là không ai chịu trách nhiệm đâu”. Bé Huỳnh Thị Ái Mỹ (10 tuổi, Trường Tiểu học Lam Sơn) thức dậy muộn, sáng lật đật chạy qua giúp mấy anh chị tình nguyện viên gói canh. Bé suy nghĩ đơn giản: “Con thấy mấy anh, mấy chị làm vui quá, con sang làm cho vui. Mai con lại qua tiếp”... Cả nhà rộn tiếng cười vang.

Lòng người Sài Gòn với các sĩ tử ảnh 6

Chú Lê Văn Khắp (45 tuổi, hay còn gọi là chú Chính, ở 685/78/18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh), bốn năm liên tục lấy căn nhà của mình làm nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử. Năm nay, nhà chú đón 50-60 em chưa kể phụ huynh đến ở lại. Chú Chính sắm sửa chăn gối, chén bát rồi thuê thêm hai phòng trọ cạnh nhà để cho phụ huynh ở, riêng các thí sinh thì ở nhà chú. “Nhà mình để cho thí sinh ôn thi đỡ ồn ào; còn nhà thuê là để cho phụ huynh nam, phụ huynh nữ ở. Mọi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của mọi người đều hoàn toàn miễn phí. Thí sinh nào thi đậu sẽ được chú thưởng thêm tiền” - chú Chính tâm sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm