Lừa tiền thuê nhà như ‘bán vịt trời’

Nạn nhân trong vụ lừa đảo này là chị NTNT, hiện đang học văn bằng 2 ở TP.HCM. Câu chuyện bị lừa bắt đầu từ việc chị T. có nhu cầu thuê nhà trọ để ở. Chị T. đến tận địa chỉ nhà mà mình có dự định thuê để tìm hiểu, vậy mà chị vẫn bị dính quả lừa tinh vi.

Ký hợp đồng với người chưa biết mặt

Chị T. kể, qua tìm hiểu trên mạng, ngày 16-9, chị tìm đến một căn nhà trên đường Trần Khát Chân, quận 1 để hỏi thuê nhà. Đón chị là một người đàn ông tự xưng tên Vũ và bảo là người môi giới. Cùng đi với Vũ còn có ba cô gái trẻ, xưng là sinh viên, họ nói cũng muốn thuê nhà.

Đến nơi, Vũ bấm chuông và nói với người đang thuê trọ trong nhà rằng mình là người môi giới của chủ nhà đưa khách tới xem để thuê. Đó là một căn nhà còn mới, một trệt, hai lầu. Sau khi nghe nói giá thuê 10 triệu đồng/tháng, ba cô gái đi cùng bảo chưa có đủ tiền nên xin về trước. “Tôi xem và thấy đây là căn vừa ý nhất nên muốn hỏi thuê. Những người đang thuê ở đây cho biết tên chủ nhà trọ là Hải, trùng với thông tin mà ông Vũ cung cấp. Tôi hỏi số điện thoại của chủ nhà, những người đang thuê chỉ ra tấm bảng số nhà và nói: “Số điện thoại chủ nhà ghi trên đó”. Tôi gọi vào số này nhưng chủ thuê bao không nghe” - chị T. kể.

Chị T. kể đến chiều cùng ngày, chị nhận được cuộc gọi, số gọi đến là số chị ghi từ lúc sáng. Người gọi xưng tên là Hải, chủ căn nhà, hiện đang làm quản lý tại khách sạn S. ở quận 1. Sau khi thỏa thuận, ông ta chấp nhận giảm tiền nhà xuống còn 8 triệu đồng/tháng, đóng tiền cọc trước hai tháng cộng một tháng tiền nhà nữa. Ông ta hẹn ký hợp đồng ngay tối đó tại khách sạn nơi ông ta đang làm việc. Lý do vì công việc của ông ta rất bận rộn, không có thời gian tiếp chuyện nhiều.

Chị NTNT (phải) đang kể chuyện mình bị lừa lấy tiền cọc thuê nhà với PV. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lừa tiền thuê nhà như ‘bán vịt trời’ ảnh 2 

Hợp đồng thuê nhà và giấy nộp tiền thể hiện chị NTNT đã chuyển khoản 14 triệu đồng cho người mạo nhận là chủ nhà trọ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Và “dính chấu”

“Tối đó, tôi đến khách sạn S. theo lời hẹn. Ông ấy đứng ở sảnh, mặc đồ vest sang trọng. Đó là một người đàn ông thấp lùn, đeo kính cận, mặt hơi vuông, mắt một mí. Ông ấy đưa tôi lên cầu thang bộ, ngồi xuống một cái bàn và ký hợp đồng. Trước khi ký, tôi đã đọc kỹ điều khoản, đối chiếu CMND của ông ấy khớp với tên trong hợp đồng. Theo thỏa thuận, tôi đóng trước 10 triệu đồng ngay tối hôm đó, 14 triệu đồng còn lại sẽ nộp trước ngày 25-9. Ông ấy bảo sau khi đóng đủ 24 triệu đồng ông ta sẽ giao chìa khóa nhà, tiền nhà bắt đầu tính vào ngày 1-10. Ông ấy còn hỏi có dùng máy giặt không, nhà ông ấy còn dư một cái, ông sẽ đưa qua cho dùng. Lúc đó tôi rất vui vì gặp được một người chủ tốt bụng và thoải mái. 

Lúc ký hợp đồng, ông ấy còn dặn không nên tiếp xúc, gặp gỡ nhiều với người đang thuê phòng trọ sắp chuyển đi. Bởi chồng chị ta là giang hồ, không đứng đắn, còn chị ta thì tính tình khó chịu, đó là lý do vì sao ông ta không cho hai vợ chồng đó thuê nữa. Quả thật hôm tới xem nhà, hai vợ chồng cũng không mấy thân thiện nên tôi tin ngay...”.

Vẫn theo lời của T., ngày 17-9, người đàn ông tên Hải gọi lại cho chị bảo có việc phải đi Hà Nội công tác gấp. Ông ta gợi ý chị chuyển khoản 14 triệu đồng còn lại. Khi ông ấy nhận được tiền sẽ nhờ Vũ, người môi giới hôm trước, mang chìa khóa nhà đến giao. “Vì tin tưởng nên tôi không ngần ngại đồng ý. Tôi vay thêm bạn bè cho đủ 14 triệu đồng rồi đến ngân hàng chuyển vào tài khoản của ông ta ngay tối hôm đó. Tôi có hỏi lại nhân viên ngân hàng họ tên chủ nhân của số tài khoản. Tất cả đều khớp với giấy tờ trước đó nên tôi chẳng mảy may nghi ngờ gì” - chị T. kể.

Suýt bị lừa lần nữa mới nhận ra

Chị T. kể sau khi chuyển tiền xong, người đàn ông tên Vũ lần lữa không giao chìa khóa cho chị với lý do vợ của chủ nhà (tức Hải) không giao chìa khóa cho người lạ.

“Ngày hôm sau, ông Hải gọi lại bảo vợ ông rất ghen, bắt buộc tôi phải đóng tiền y như thỏa thuận ban đầu (?!) mới cho thuê nhà. Ông bảo vợ ông nói tại sao những người khác thuê giá 10 triệu đồng, đồng ý nộp cọc hai tháng cùng đóng trước ba tháng tiền nhà mà không cho thuê… Tôi bảo tôi không còn tiền, ông ta lại kỳ kèo: “Thôi thì em đóng thêm một tháng nữa, anh bỏ tiền lương đóng thêm cho em một tháng nữa để bà ấy khỏi ghen”. Tôi nhất quyết không đóng nữa, ông ta bảo sẽ trả lại toàn bộ tiền cho tôi” - chị T. kể.

Đến đây, chị T. nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên gần 10 giờ tối hôm đó chị đến căn nhà định thuê để hỏi thăm. “Tôi hỏi lại chủ nhà tên gì, họ bảo tên Hải. Tôi hỏi họ tên đầy đủ, họ lấy hóa đơn điện, nước ra xem và bảo tên đầy đủ là P.N.Hải. Trong khi người ký hợp đồng với tôi tên là Thân Đức Phú Hải. Kiểm tra lại số điện thoại ghi dưới bảng số nhà, tôi mới phát hiện ra số điện thoại đó có dấu hiệu tẩy xóa, có người đã dùng bút bi sửa lại một vài số trên số cũ. Tôi xin số điện thoại của ông Hải - chủ nhà thật, khi tôi gọi thì ông Hải (thật) khẳng định không hề giao dịch gì với tôi. Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa” - chị T. chua chát kể lại.

Sáng hôm sau, chị T. đến Công an phường Bến Nghé, quận 1 để trình báo toàn bộ sự việc.

Đã chuyển hồ sơ cho Công an quận 1

Chúng tôi đã liên hệ với Công an phường Bến Nghé, quận 1 để tìm hiểu thêm sự việc. Ông Đoàn Xuân Đức, trực ban Công an phường Bến Nghé, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của chị NTNT, công an phường đã chuyển hồ sơ lên Đội điều tra tổng hợp Công an quận 1.

Theo ông Đức, những kẻ lừa đảo thường dùng những thủ đoạn tinh vi như giao dịch ở những nơi sang trọng, ăn mặc lịch sự để tạo niềm tin. Lỗi ở đây cũng xuất phát từ việc người đi thuê nhà quá gấp gáp, không kịp kiểm tra đối chiếu thông tin nên dễ bị lừa. “Nguyên tắc thuê nhà là cần thuê chính chủ, bằng cách kiểm tra giấy tờ (như mượn những người thuê trọ hóa đơn tiền điện, nước, hóa đơn này thường ghi tên chủ nhà). Hoặc người thuê cũng có thể liên hệ với công an phường để hỏi thông tin về chủ nhà, số điện thoại của họ…, tránh để bị lừa” - ông Đức chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm