Luật Công chứng 2014: Công chứng được chứng nhận bản dịch

 “Điểm nổi bật của Luật Công chứng lần này là mở rộng phạm vi công việc của công chứng viên. Bên cạnh công việc hiện nay là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, từ nay công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ và chứng nhận bản dịch...”. Ông Từ Dương Tuấn (ảnh), Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết như trên khi nói về Luật Công chứng 2014, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1-1-2015.

Sẽ giảm tải cho xã, phường

. Phóng viên: Theo ông, việc công chứng viên được chứng thực những nội dung trên mang lại được ích lợi gì cho người dân?

+ Ông Từ Dương Tuấn: Đầu tiên là sẽ giảm tải cho UBND xã, phường và phòng tư pháp trong việc chứng thực. Người dân có thêm sự lựa chọn nơi chứng thực để cho công việc được thuận lợi, nhanh chóng. Khi chưa có quy định này, người dân đến yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận hợp đồng giao dịch như thuê nhà, chuyển quyền sở hữu nhà, chuyển quyền sử dụng đất mà có nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ tài liệu liên quan để phục vụ cho thủ tục thuế hay đăng bộ thì tổ chức công chứng không thực hiện được. Người dân phải đến UBND phường, xã để sao y, đến phòng tư pháp thực hiện bản dịch. Như vậy sẽ bất tiện, phiền hà cho dân.

. Về bản dịch thì sao? Việc giao cho công chứng viên chứng nhận bản dịch có gì khác so với phòng tư pháp cấp huyện như lâu nay?

+ Lâu nay, theo Luật Công chứng 2006, công chứng viên không chứng nhận bản dịch mà giao cho phòng tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch, không chịu trách nhiệm về nội dung. Do đó trong thời gian qua chất lượng bản dịch còn hạn chế, trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Người chứng nhận bản dịch theo quy định này chỉ chịu trách nhiệm về chữ ký của người dịch là đúng hay sai, không chứng nhận nội dung bản dịch. Còn theo Luật Công chứng 2014, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch giấy tờ văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Như vậy quy định mới đã khắc phục được các hạn chế trên.

Người dân đang làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 7 (quận 6, TP.HCM). Ảnh: CT

Không được từ chối công chứng

. Chứng thực chữ ký, bản sao từ bản chính và bản dịch là công việc được bổ sung cho công chứng. Giả sử vì lý do gì đó, công chứng viên từ chối rồi hướng dẫn qua nơi khác làm thì sao?

+ Đây là nhiệm vụ do Nhà nước ủy nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Do đó đây là việc bắt buộc thực hiện để phục vụ người dân. Luật Công chứng 2014 quy định cấm công chứng viên từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng.

. Lâu nay bản sao từ bản chính được nhiều nơi yêu cầu phải trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày chứng thực, gây nhiều phiền hà, tốn kém cho dân. Vấn đề này đã được xử lý hay chưa?

+ Từ trước tới nay chưa có văn bản nào quy định bản sao y chứng thực chỉ có hiệu lực trong vòng sáu tháng. Tuy nhiên, thực tế thì dường như có sự truyền miệng và một số nơi áp dụng về thời hạn có hiệu lực của bản sao. Có lẽ xuất phát từ sự lo ngại một số giấy tờ dễ có những biến động như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trang bổ sung để cập nhật biến động hoặc sổ hộ khẩu cũng dễ xảy ra việc cắt hộ khẩu nên dẫn đến ý nghĩ về sáu tháng thời hạn của bản sao để yên tâm hơn. Thực tế có những giấy tờ không thể thay đổi bổ sung điều chỉnh như giấy chứng minh nhân dân hay bằng cấp nên việc ấn định thời hạn hiệu lực của bản sao là không đúng. Bản sao có ý nghĩa là sự khẳng định của người chứng thực về việc văn bản tài liệu này được sao từ bản chính tại thời điểm được chứng thực.

. Xin cám ơn ông.

Không được ấn định mức thù lao công chứng

Lệ phí là do Nhà nước quy định nên mọi tổ chức hành nghề công chứng dù là tư hay công thì đều thu một mức như nhau. Lâu nay người dân cũng không phàn nàn gì về lệ phí. Phản ánh nếu có thường liên quan đến thù lao công chứng vì lâu nay không có quy định mà do các tổ chức hành nghề công chứng tự ấn định và niêm yết công khai tại trụ sở. Điều này dẫn đến tình trạng có nơi thu thù lao quá cao, không phù hợp, ảnh hưởng đến người có yêu cầu công chứng.

Để khắc phục, Điều 67 Luật Công chứng 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng không được tự ấn định mức thù lao bất kỳ việc gì mà việc này do UBND cấp tỉnh ban hành một mức trần thù lao công chứng áp dụng cho các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Trên cơ sở mức tối đa do TP quy định, tổ chức công chứng xác định thù lao đối với từng loại việc trên nguyên tắc không được vượt quá mức trần thù lao TP quy định và niêm yết công khai. Nơi nào thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao niêm yết công khai thì bị xử lý theo quy định.

Luật Công chứng mới còn quy định tổ chức hành nghề công chứng phải có trách nhiệm giải thích cho người có yêu cầu công chứng chứng thực về các khoản thu nói trên khi họ có thắc mắc.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, toàn TP có 20.500 yêu cầu chứng thực các loại, bao gồm chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính và chứng nhận bản dịch. Tổng lệ phí thu được từ công tác chứng thực là hơn 107,3 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm