Mang công lý đến với mọi người

ầu năm 2007, chuyện bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) bị tâm thần sau khi bị lấy cung về “nghi án” mất 47.800 đồng quỹ lớp gây chấn động dư luận. Sau khi sự việc xảy ra, mẹ Trâm chỉ biết ôm con đi bệnh viện chạy chữa trong khi nhà em rất nghèo, ba mẹ em phải làm thuê kiếm sống. Những người có lỗi trong chuyện này lại im re, không tỏ rõ thái độ...

Xoa dịu những nỗi đau

Nhận được thông tin, Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của Báo Pháp Luật TP.HCM đã phối hợp với Ban biên tập Báo thông tin nội dung sự việc trên mặt báo, vận động bạn đọc đóng góp tiền bạc giúp đỡ em chữa bệnh, đồng thời cử luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên bảo vệ quyền lợi cho bé Trâm.

Tìm hiểu động cơ của những người đã “ép cung”, luật sư Liên nhận thấy nhận thức của họ về tâm lý trẻ em rất nông cạn, hạn chế. Gia cảnh họ cũng nghèo, bản thân họ đã bị chuyển ngành, bị dư luận lên án... Luật sư đã khuyên các bên ngồi lại với nhau thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại các tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho bé Trâm. Cuối cùng, bên có lỗi đã đồng ý bồi thường 25 triệu đồng. Việc làm này thấu tình đạt lý, tránh được việc kiện tụng dằng dai dễ gây tổn thương cho bé Trâm lần nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên Pháp Luật TP.HCM nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho những đối tượng cần giúp đỡ. Trước đây, Báo đã từng bảo trợ về mặt pháp lý cho em bé ở đợ bị chủ hành hạ ở Trà Vinh. Cách đây hai năm, Báo đã giúp cho bốn em bé làm thuê bị ngược đãi. Cả bốn em đều từ Bắc Giang vào quận Tân Bình (TP.HCM) làm thuê cho một cơ sở may gia công. Các em thường xuyên bị bỏ đói, bị đánh đập dã man bằng roi điện, bị kẹp bằng kềm... đến mức phải bỏ trốn. Sau khi phát hiện sự việc, Pháp Luật TP.HCM đã lập tức thông tin, nhờ luật sư bào chữa cho bốn em trước tòa. Kết cục, người chủ nhẫn tâm phải lãnh 30 tháng tù giam và bồi thường cho các em 14 triệu đồng.

“Tháo ngòi nổ” các khiếu kiện

Bên cạnh việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân bất hạnh, Pháp Luật TP.HCM còn đẩy mạnh loại hình tư vấn pháp luật.

Ban đầu, hoạt động tư vấn chỉ diễn ra trên mặt báo. Sau đó, do nhu cầu của bạn đọc ngày càng gia tăng nên đến tháng 3-2004, Báo ra mắt Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2007, Báo đã tư vấn cho trên 2.000 lượt người. Đặc biệt, bạn đọc ở bất kỳ địa phương nào tìm đến Báo cũng nhận được sự giúp đỡ. Mới đây, Báo đã mở rộng Chương trình tư vấn pháp luật miễn phí tại Đà Nẵng, dự kiến sắp tới sẽ mở tiếp ở Hà Nội, Cần Thơ và Nha Trang.

Chủ nhiệm Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí, ông Phạm Phú Tâm (Phó Tổng biên tập Pháp Luật TP.HCM), cho biết: “Chức năng của Chương trình là làm công tác xã hội sau mặt báo để trợ giúp pháp lý cho tất cả các đối tượng bạn đọc. Chương trình hướng đến mục đích giúp người dân hiểu rõ và thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Đây cũng là một cách góp phần “tháo ngòi nổ”, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài...”.

Đến với chương trình trên, nhiều bạn đọc đã ngỡ ra nhiều điều cần thiết mà lâu nay họ không nắm rõ. Ông Phạm Hùng (ở Xuân Lộc, Đồng Nai) đến chương trình để nhờ tư vấn về quyết định giải quyết tranh chấp đất của địa phương. Sau khi được các luật sư thành viên của chương trình giải thích cặn kẽ, ông vui vẻ bước ra khỏi phòng: “Thì ra là chính quyền làm đúng, lâu nay mình không hiểu nên cứ kiện hoài, hao công, tốn của quá!”.

Cũng để trợ giúp pháp lý, Pháp Luật TP.HCM là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong TP.HCM cung cấp văn bản pháp luật miễn phí cho mọi người. Ra mắt từ năm 1998 đến nay, hoạt động này đã phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt người có nhu cầu.

Cùng với các trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước, hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan khác, Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của Pháp Luật TP.HCM đã, đang và sẽ là “người bạn” pháp lý thân thiết, đáng tin cậy của mọi người.

Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), nhận xét: “Báo Pháp Luật TP.HCM đã góp phần giải đáp những vướng mắc pháp luật thông qua việc tư vấn những vụ việc cụ thể. Có những vụ việc đang được các cơ quan khác kiến nghị giải quyết thì Pháp Luật TP.HCM với thế mạnh về pháp lý của mình đã đăng tải, phân tích các góc cạnh liên quan. Việc làm này tác động đến công luận, góp phần thúc đẩy việc giải quyết được nhanh chóng hơn”.

Giám sát chất lượng trợ giúp pháp lý

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Trụng, bộ này sẽ thành lập một đơn vị trực thuộc Cục Trợ giúp pháp lý để xem xét, đánh giá chất lượng trợ giúp theo những tiêu chuẩn phù hợp. Căn cứ vào đó, nhà nước sẽ kết hợp với các cơ quan, tổ chức và chính người được trợ giúp thực hiện việc giám sát chất lượng trợ giúp.

Trong 10 năm qua, Cục Trợ giúp pháp lý và các trung tâm trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành đã trợ giúp cho hơn một triệu vụ việc liên quan đến các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách, người dân tộc, trẻ em... Với Luật Trợ giúp pháp lý (có hiệu lực từ 1-1-2007), chất lượng trợ giúp được nâng lên nhiều vì luật này ràng buộc “trợ giúp pháp lý sai thì phải bồi thường”.

Đ.MINH

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm