Mất tiền tỷ vì mua bán nhập nhằng

Năm 2005, do làm ăn thua lỗ, bà HKD (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) lén vay của ông NTH 250 triệu đồng, lãi 7%/tháng.

Vay nợ hay bán đất?

Theo bà D., thay vì làm giấy vay tiền, bên cho vay yêu cầu bà ký hợp đồng “bán” hơn 10.000 m2 đất, tiền vay được ghi “né” thành tiền đặt cọc.

Tuy số tiền vay là 250 triệu đồng nhưng thực tế bà D. chỉ nhận được hơn 207 triệu đồng vì ông H. đã trừ hơn 42 triệu đồng gồm tiền “dịch vụ” và tiền lãi tháng đầu. Mấy tháng sau, do không có tiền trả lãi, bà D. bị ông H. kêu đến hai lần để ký vào biên nhận bổ sung tiền cọc (thực chất là cộng thêm lãi để tăng số tiền vay).

Đến khi bị ông H. đòi đất và không có tiền trả nợ, bà D. bèn thú thật với chồng. Chồng bà có đến thương lượng việc trả nợ nhưng ông H. không đồng ý mà yêu cầu phải thực hiện hợp đồng “bán” đất. Vụ việc được UBND thị trấn Cần Thạnh hòa giải nhưng bất thành và bên cho vay đã khởi kiện ra tòa.

TAND huyện Cần Giờ nhận định đây không phải là hợp đồng vay nợ mà là hợp đồng mua bán đất. Sau khi ký, bên bán đã giao “giấy đỏ” cho bên mua và bên mua đã giao tiền (tổng cộng 350 triệu đồng). Tuy nhiên, do các bên chưa làm thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan có thẩm quyền nên hợp đồng bị vô hiệu. Do đều có lỗi ngang nhau nên hai bên phải chịu thiệt hại phát sinh ngang nhau. Theo tính toán của tòa, tổng thiệt hại từ hợp đồng này là 7,2 tỷ đồng. Chia đôi thiệt hại, cộng với “tiền cọc” đã nhận, tòa buộc bà D. hoàn trả cho ông H. bốn tỷ đồng.

Cách nào xác định sự thật?

Không đồng ý với cách xét xử nói trên, bà D. đã kháng cáo. Theo bà, đáng lẽ phải làm rõ bản chất của vụ việc là vay tiền thì tòa chỉ căn cứ vào tờ hợp đồng để tuyên xử việc mua bán là có thật. “Miếng đất 10.000 m2 trị giá bạc tỷ, có khùng chúng tôi mới bán với giá “bèo” như vậy!” - chồng bà D. nói.

Cũng theo bà D., TAND huyện Cần Giờ đã không cố gắng tìm ra sự thật phía sau tờ hợp đồng đã nêu. Tại tòa, một (trong ba) nhân chứng nói rõ mình cũng là nạn nhân vay tiền, cũng được người cho vay hướng dẫn ký vào hợp đồng bán nhà đất. Tuy nhiên, tòa này chỉ hỏi bà có chứng kiến việc ký hợp đồng mua bán và giao tiền giữa ông H. và bà D. hay không... Tương tự, người làm chứng thứ hai khai chính mình là người chỉ cho bà D. chỗ vay tiền, cách thức vay, tiền hoa hồng và lãi suất. Chính ông đã nói với bà D. rằng “Nếu đồng ý thì gặp người trung gian để được giới thiệu, còn việc giao tiền ngày nào thì tôi không nhớ rõ nhưng giao ngay tại nhà tôi...”. Đáng tiếc, các chi tiết này đã không được tòa sơ thẩm làm rõ.

Mới đây, bản án sơ thẩm nói trên cũng đã bị VKSND huyện Cần Giờ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo VKSND huyện Cần Giờ, đây là hợp đồng vô hiệu nên các bên chỉ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Còn cách xử lý nào khác hơn để không chỉ vì vay 250 triệu đồng, vợ chồng bà D. phải đối diện với nguy cơ mất miếng đất trị giá hơn tám tỷ đồng?

Công an chưa thể khởi tố

Trước khi tòa xử vụ này, Công an huyện Cần Giờ cũng đã xác minh vụ việc. Theo nhận định của Công an huyện, đây là thủ đoạn cho vay tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để cho vay lấy lãi. Ngoài bà D., tại thị trấn Cần Thạnh còn có nhiều người cũng vay tiền nhưng lại ký vào hợp đồng mua bán nhà đất. Do ông H. chỉ thừa nhận đã làm hợp đồng mua bán nhà với một số người chứ không phải cho vay lãi nặng nên Công an huyện đã không khởi tố vụ án hình sự.

Hiện tại, Công an huyện đang tiếp tục điều tra, nắm sát tình hình và tìm biện pháp bảo vệ người dân... UBND huyện cũng đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác, đồng thời mở rộng các hình thức tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trong nhân dân.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm