Mất xe, ai đền?

Chị D. yêu cầu chủ tiệm phải bồi thường cho chị gần 11 triệu đồng (tương đương với 85% giá trị xe lúc mua cách đây bốn năm). Song chủ tiệm không chấp nhận bồi thường, viện lẽ tiệm không giữ xe cho khách vào giao dịch nhanh.

Tòa dưới: không; tòa trên: phải đền

Giải thích thêm về sự từ chối của mình, chủ tiệm cho biết: Từ trước đến nay, tiệm chỉ nhận giữ xe cho khách vào chụp ảnh. Những lúc đó, tiệm sẽ cho nhân viên ra xích xe khách lại. Riêng đối với những giao dịch nhanh như của chị D. (chỉ đến lấy ảnh rồi đi ngay...), tiệm không nhận giữ xe mà khách hàng phải tự trông coi. Trong trường hợp cụ thể của chị D., tiệm không hề thỏa thuận sẽ giữ xe cho chị, thể hiện qua việc tiệm không phát thẻ giữ xe hay hứa hẹn sẽ trông giúp.

Bản án sơ thẩm ngày 7-8 của TAND quận 11 đã xử chị D. thua kiện. Theo tòa này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ bốn yếu tố: phải có hành vi trái pháp luật; có thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Ở vụ án này, thiệt hại là có nhưng không phải vì cửa tiệm có hành vi trái pháp luật gây ra.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm ngày 20-10 của TAND TP.HCM lại xử cho chị D. được thắng kiện một phần. Tòa này cho rằng cửa tiệm cũng có phần lỗi trong việc để mất xe của chị D. Cho nên, cửa tiệm phải bồi thường phân nửa giá trị thiệt hại cho chị D.

Ai đúng, ai sai?

Trong vụ án này, có ý kiến cho rằng cách xét xử của tòa sơ thẩm là đúng pháp luật. Bởi lẽ tiệm ảnh không phân công người trực tiếp giữ xe, không phát thẻ giữ xe cho khách đến giao dịch. Do đó, giữa cửa tiệm và chị D. không có xác lập hợp đồng gửi giữ xe. Theo chị D. thì lúc vào tiệm chị có nhờ một nhân viên của tiệm trông coi xe. Song nhân viên đó không thừa nhận. Chi tiết này càng cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận hai bên có giao kết hợp đồng gửi giữ. Do vậy, khách hàng vào tiệm thì phải tự giữ xe, nếu để mất thì ráng chịu, chủ tiệm không có trách nhiệm bồi thường. Khách cứ ráng chờ, khi nào công an bắt được kẻ trộm thì hãy bắt đền.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng theo thông lệ của nhiều nơi, cửa tiệm sẽ đảm nhận giữ xe miễn phí cho khách hàng đến giao dịch, bất kể thời gian giao dịch ngắn hay dài. Ở đây, tiệm ảnh cũng thừa nhận thường xuyên làm dịch vụ này nên nay không thể viện cớ thời gian giao dịch ngắn để thoái thác trách nhiệm bồi thường. Nếu cửa tiệm nào cũng “nói ngang” như thế thì chẳng ai còn muốn quan hệ... Để tình, lý vẹn bề, cửa tiệm nên gánh vác 1/2 trách nhiệm bồi thường đối với sự cố ngoài ý muốn của cả hai bên.

Được biết, tiệm ảnh trên đang chuẩn bị gửi đơn xin giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Chưa rõ kết cục thế nào nhưng dẫu sao đây sẽ là bài học đắt giá cho nhiều người. Việc gửi giữ nếu chỉ nói qua loa và tài sản cứ bạ đâu để đấy thì việc mất trộm rất dễ xảy ra và khi đó sẽ có nhiều phiền toái phát sinh.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn luật sư TP.HCM:

Theo Điều 559 Bộ luật Dân sự, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Hợp đồng gửi giữ tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. So với việc thỏa thuận miệng thì hợp đồng bằng văn bản luôn rõ ràng hơn. Khi giải quyết các tranh chấp từ những giao dịch miệng, tòa án buộc phải căn cứ vào sự thừa nhận của hai bên hoặc của những người chứng kiến khác. Thành thử, nếu lời khai của nguyên đơn không được bị đơn chấp nhận và cũng không có người làm chứng thì nguyên đơn khó lòng thắng kiện toàn bộ.

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm