Mời người tâm thần làm nhân chứng?!

Hơn 400 m2 đất thuộc một phần thửa 112, tờ bản đồ số 9 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh bị tranh chấp từ nhiều năm nay. Do không thỏa thuận được nên các bên đã đưa nhau ra tòa. Rắc rối nằm ở chỗ mỗi bên lại có lời khai khác nhau về nguồn gốc đất.

Mảnh đất có hai nguồn gốc

Ông Nguyễn Văn Chòn khẳng định: “Năm 1995, cha tôi đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông mất năm 1997 và tôi là người thừa kế hợp pháp. Hiện tôi đang đứng tên trên “giấy đỏ”. Ông V. không có cơ sở kiện buộc tôi trả đất”.

Theo ông Chòn, cha ông đã có công khai hoang phần đất trên từ trước giải phóng. Năm 1978, gia đình ông đưa đất vào tập đoàn sản xuất. Khi rã tập đoàn, đất của ai thì người ấy lấy về. Năm 1992, ông V. thuê phần đất này để đào ao nuôi cá và mỗi năm trả cho cha của ông Chòn hai giạ lúa, xem như đấy là nghĩa vụ của người thuê đất.

Nhưng theo ông V. thì chẳng có chuyện thuê mướn gì cả. Đất đó vốn thuộc quyền sử dụng của chú ruột ông. Năm 1978, chú ông đưa đất vào tập đoàn sản xuất. Sau khi rã tập đoàn, chú ông cho ông phần đất này. Do đất thấp quá nên ông V. không cấy lúa được. Vì thế, ông V. xin cha của ông Chòn cho đắp thêm bờ ranh giữa hai phần ruộng thành bờ bao dùng để nuôi cá. Hàng năm ông V. trả cho cha của ông Chòn hai giạ lúa nhằm bồi thường phần diện tích bị mất.

Tài liệu đăng ký không rõ ràng

Cuối năm 2004, UBND xã Bình Hưng lập “tờ trình thuyết minh” xác định nguồn gốc phần đất tranh chấp. Xã này cho biết theo tài liệu 299/TTg thì đất do ông V. đăng ký sử dụng. Nhưng theo tài liệu 02/CT-UB, cha của ông Chòn lại là người đăng ký và đã được cấp giấy chứng nhận vào năm 1995. Do không nhận dạng được hình dáng thửa đất trên bản đồ, cha của ông Chòn đã đăng ký cả phần đất ao mà ông V. đang sử dụng. Do không phát hiện nên ông V. không có phản ứng gì. Vì thế, xã đề xuất thu hồi “giấy đỏ” mà ông Chòn được cấp sau này.

Cuối năm 2006, UBND huyện Bình Chánh có công văn xác định cha của ông Chòn được cấp giấy chứng nhận theo đúng thủ tục quy định và không có ai tranh chấp, khiếu nại. Thủ tục xét cấp đổi tên cho ông Chòn trên “giấy đỏ” cũng được thực hiện đúng quy định.

Vụ án được TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm hồi tháng 8-2007. Một nhân chứng từng là cán bộ địa chính huyện khẳng định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã được niêm yết, đồng thời thông báo công khai trên đài địa phương nhưng không có khiếu nại. Những người cư trú lâu đời tại địa phương cũng cho biết số đất trên là của phía gia đình ông Chòn... Dựa trên những cơ sở này, TAND huyện Bình Chánh đã xử cho ông V. thua kiện.

Người tâm thần được mời làm nhân chứng

Xét xử phúc thẩm vụ án vào đầu tháng 12-2007, TAND TP.HCM triệu tập 12 nhân chứng. Phần lớn lời khai của nhân chứng đều bất lợi cho ông Chòn. Điều đáng nói là có một nhân chứng trong số này mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Xác nhận của Trạm y tế xã Bình Hưng cho thấy ông này đã điều trị tại Trạm y tế xã từ năm 1998, chưa dứt bệnh và vẫn đang tiếp tục điều trị.

Biên bản làm việc hồi tháng 9-2004 giữa UBND xã Bình Hưng và nhân chứng bị bệnh tâm thần nói trên được cấp phúc thẩm viện dẫn như một chứng cứ để giải quyết vụ án. Lời khai của nhân chứng này cũng bất lợi cho ông Chòn.

TAND TP.HCM đã xử cho ông V. thắng kiện. Tòa này cũng kiến nghị UBND huyện Bình Chánh thu hồi “giấy đỏ” của ông Chòn để điều chỉnh bớt diện tích.

Ông Chòn không hài lòng: “Điều 65 Bộ luật Tố tụng dân sự không cho phép người mất năng lực hành vi dân sự làm người làm chứng. Ở đây, nhân chứng lúc tỉnh lúc mê, lúc nói này lúc nói khác. Tại sao cấp phúc thẩm lại mời ông ấy làm chứng?”.

Theo Điều 22 Bộ luật Dân sự, “mất năng lực hành vi dân sự” là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Tòa án sẽ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Nhân chứng nói trên chưa bị tuyên bố “mất năng lực hành vi dân sự”. Tuy nhiên, việc xét xử liệu có khách quan và đủ sức thuyết phục nếu lời khai của người này được sử dụng làm chứng cứ tại tòa?

Cho rằng cấp phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (mời người tâm thần làm chứng), ông Chòn đã nộp đơn yêu cầu viện trưởng VKSND tối cao và chánh án TAND tối cao kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm