Mong có nhiều người có tầm vào Quốc hội

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV đã được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 22-5-2016. Ngày 16-2, Ủy ban Trung ương MTTQ đã tiến hành hiệp thương, chọn những người xứng đáng giới thiệu để nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Người dân cả nước đang mong mỏi những người được giới thiệu sẽ là những ĐB thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Nhân dân đủ sáng suốt để lựa chọn người đủ tài, đủ đức bầu vào Quốc hội. Trong ảnh: Cử tri TP.HCM bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIII. Ảnh: HTD

Theo quy định của Hiến pháp, ĐBQH không chỉ là đại diện ở nơi mình được bầu ra mà còn đại diện cho người dân cả nước. Đây là một trọng trách nhưng cũng là vinh dự lớn đối với các ĐBQH. Trên diễn đàn QH các khóa trước, nhân dân đã rất “đã” khi nghe các ĐB chất vấn và phát biểu trước QH.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân đã đúc kết thành câu ngạn ngữ “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” để tỏ rõ sự mến yêu của mình đối với các ĐB (Đỗ Trọng Ngoạn - ĐB tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Ngọc Trân - ĐB tỉnh An Giang, Nguyễn Lân Dũng - ĐB tỉnh Đắk Nông và Dương Trung Quốc - ĐB tỉnh Đồng Nai). Trong các nhiệm kỳ QH vừa qua, ngoài những tên tuổi nêu trên còn có nhiều ĐBQH khác đã ghi dấu ấn trên diễn đàn QH và được nhân dân tin yêu, kỳ vọng như ĐB Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Bá Thuyền, Lê Thị Nga, Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh, Lê Văn Cuông…

Một đất nước với gần 100 triệu dân cùng biết bao nhiêu vấn đề bức xúc của xã hội nên chắc chắn nhiệm vụ của ĐBQH không thể nhàn hạ. Trên diễn đàn QH các nhiệm kỳ vừa qua đã có những ĐB “theo đến cùng” các nội dung chất vấn. Nhiều vấn đề bức xúc của xã hội đã được các ĐBQH chất vấn sâu như giá xăng dầu, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, về cải cách tư pháp, lấy phiếu tín nhiệm… ĐBQH ngoài trọng trách là người đại diện của cử tri thì họ là những người làm luật chuyên nghiệp. Sự kiện ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trình dự án luật là việc hoàn toàn mới nhưng cũng thể hiện đây chính là trọng trách của một ĐBQH.

QH nước ta hiện có tới gần 70% ĐB là kiêm nhiệm, số ĐB chuyên trách không nhiều. Vì vậy, trên diễn đàn QH có lúc ông Bùi Quang Vinh phải thưa trước là phát biểu trên cương vị ĐBQH, có lúc lại phải mở lời rằng phát biểu với trọng trách của bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Các ĐB kiêm nhiệm cùng một lúc phải thực hiện trách nhiệm ở cả hai nơi, hai vị trí công tác nên để làm tốt nhiệm vụ ĐB dân cử là điều không hề dễ. Vì vậy không có gì lạ khi nhiều phiên họp của QH khóa 13, các hàng ghế ĐB trống rất nhiều.

Từ đây đến bầu cử còn có nhiều hội nghị hiệp thương nữa nhưng nhân dân vẫn mong mỏi số ĐB chuyên trách, ĐB ngoài Đảng sẽ được quyết tăng về số lượng. Cạnh đó, người dân cũng mong mỏi giảm những ĐB thuộc khối hành pháp để ĐBQH thật sự là những người toàn tâm, toàn ý thực hiện trọng trách là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

Dân đủ sáng suốt để chọn đúng người tài vào Quốc hội

QH không phải là mặt trận mà phải gồm những người có tài, có đức trong khối đại đoàn kết dân tộc để đảm nhiệm trọng trách mà nhân dân giao phó. Phải triệt để xóa bỏ lối suy nghĩ xem ĐBQH ngoài Đảng, phụ nữ, dân tộc, giới trẻ là một thứ “trang trí”, “làm đẹp đội hình cơ cấu”.

Đối với một tập thể, nếu có một cơ cấu hợp lý sẽ tạo nên sức mạnh thật sự cho tập thể đó. Với Quốc hội (QH) cũng vậy. Tuy nhiên, khi đã có một cơ cấu hợp lý rồi thì làm thế nào để chọn được những người thật sự xứng đáng trong cơ cấu cho QH là điều người dân rất quan tâm.

Trong quy trình chuẩn bị nhân sự cho danh sách ứng cử viên có các bước hiệp thương. Có thể nói hiệp thương là một bước phát triển trong việc vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện để thực thi quyền làm chủ thật sự của nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nó đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần bầu cử QH, bầu cử HĐND các cấp và ngày càng được hoàn thiện. Tiến hành các bước hiệp thương thật tốt, dân chủ và đúng pháp luật sẽ cấu tạo nên một QH có cơ cấu phản ánh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung trí tuệ của toàn dân tộc.

Các ứng cử viên tự ứng cử đều phải thông qua việc lấy ý kiến ở hội nghị cử tri nơi làm việc và nơi cư trú. Không vì sợ số người tự ứng cử nhiều khiến dân khó lựa chọn mà hạn chế số người tự ứng cử. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong kỳ bầu cử QH khóa I, ở Hà Đông được bầu 14 ĐB nhưng lại có đến 97 ứng cử viên; ở Nam Định bầu 15 ĐB nhưng có tới 70 ứng cử viên; ở Hà Nội bầu sáu ĐB nhưng có tới 74 ứng cử viên… (theo báo Cứu Quốc ngày 31-12-1945).

Hãy tin tưởng ở dân, dân sẽ sáng suốt chọn đúng người đủ đức, đủ tài. 

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm