Một quy định hợp lòng dân

Năm 2000, tuy cần bán nhà gấp nhưng chúng tôi lại không liên lạc được với người thân ở Mỹ. Không còn cách nào khác, chúng tôi đã xin phép bán nhà kèm theo điều kiện nộp phần giá trị nhà của người thân (khoảng 270 triệu đồng) cho nhà nước giữ giùm. Chừng khi nộp xong tiền, người thân của tôi đột nhiên quay về nước và muốn nhận lại số tiền trên nhưng chẳng cơ quan nào giải quyết.

Tháng 7-2006, sau nhiều năm bàn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1037 cho phép những trường hợp như người thân của tôi được nhận lại “phần vắng”. Mừng quá, người thân đã làm giấy ủy quyền cho tôi liên hệ với các cơ quan chức năng để xin lại tiền. Song điệp khúc “chờ hướng dẫn” cứ lặp đi lặp lại khiến chúng tôi mấy phen nản lòng.

Giờ thì có thể yên tâm rồi. Ngay từ lúc này, tôi sẽ chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để khi Sở Tài chính TP.HCM “bấm nút”, tôi sẽ nộp hồ sơ xin nhận lại “phần vắng”. Dẫu số tiền (cộng lãi) không nhiều nhưng tôi tin chắc người thân của tôi sẽ rất mừng.

Nguyễn Trí Quang (Quận 3)

Sau khi cha mất, mẹ và bốn anh em tôi (trong đó có ba người ở Pháp) trở thành đồng sở hữu chủ một căn nhà ở quận 10. Năm 1989, để được cấp giấy chủ quyền nhà, tôi và mẹ tôi phải nộp “phần vắng” của ba người anh ở nước ngoài. Tổng số tiền phải nộp là hơn 24 triệu đồng cho cả ba người. Nếu so với thời giá bây giờ, số tiền ấy chẳng bao nhiêu nhưng vào thời điểm 1990, số tiền ấy chẳng hề nhỏ.

Đọc báo xong, tôi gọi điện thoại ngay cho ba người anh. Nghe xong, ai cũng bảo “Vậy mới phải chứ!”, rồi cười. Có thể Tết này cả ba đều sẽ về nước để vừa thăm nhà vừa làm thủ tục nhận lại “phần vắng” để lì xì cho... tôi.

Xin cảm ơn UBND TP.HCM về một quy định rất hợp lý, hợp tình.

tranthanhnha...@yahoo.com

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm