Mua đất bằng giấy viết tay, ra toà mất trắng

Sau nhiều năm dành dụm, vợ chồng anh Minh mua được một mảnh đất ở Mỹ Đình, Hà Nội. Mảnh đất này là của anh Tuấn, con trai trưởng trong gia đình họ Lê. Khi mua bán, hai bên chỉ làm giấy viết tay. Anh Tuấn không phải là người đứng tên trong sổ đỏ, nhưng theo thỏa thuận của các anh chị em trong gia đình, anh Tuấn được quyền tự quyết định đối với lô đất này.

Hơn một năm sau, bố đẻ anh Tuấn qua đời (mẹ anh Tuấn cũng đã mất trước đó). Giữa các anh chị em trong gia đình anh Tuấn xảy ra mâu thuẫn, trong đó có chuyện phân chia mảnh đất mà anh Tuấn đã bán. Không thoả thuận được, các anh chị em của anh Tuấn gửi đơn kiện anh ra tòa.

Tòa tuyên chia toàn bộ di sản thừa kế, trong đó bao gồm cả phần đất anh Tuấn đã bán cho vợ chồng anh Minh cho 4 anh chị em. Vì việc anh Tuấn bán đất không được sự đồng ý bằng văn bản của bố đẻ và các anh chị em khác trong gia đình, giấy mua bán giữa hai bên cũng không có công chứng, chứng thực…. Xét quan hệ mua bán trên là chưa tuân thủ đúng luật định, tòa tuyên anh Minh phải trả lại đất, anh Tuấn trả lại tiền.

Thời điểm anh Minh mua đất thì giá trị mảnh đất chỉ 500 triệu đồng, nay nếu nhận lại tiền anh chỉ mua được diện tích đất bằng 1/3 mảnh đất đó.

Mua đất bằng giấy viết tay, ra toà mất trắng ảnh 1

Giao dịch mua bán có công chứng sẽ an toàn hơn. Ảnh: Công lý

Tháng 4, gia đình ông Đặng (57 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) bị máy xúc đánh sập mà nguyên nhân ban đầu được cho là do mâu thuẫn trong việc mua bán đất với một người khác từ gần 10 năm về trước. Thời điểm ấy, ông Đặng và phía chủ bán đất chỉ thực hiện các giao dịch mua bán bằng giấy viết tay và các biên nhận, nhận tiền đặt cọc.

Ông Đặng đã trả 30 lượng vàng, 125 triệu đồng và thiếu lại 75 triệu. Do việc mua bán chỉ bằng giấy viết tay nên 75 triệu đồng còn lại sẽ được ông trả khi hoàn tất giấy tờ. Khi chuẩn bị đủ tiền để trả, ông Đặng nhiều lần hối thúc chủ đất nhanh chóng làm chủ quyền đất nhưng đợi mãi vợ chồng ông không nhận được hồi âm. Nghi ngờ người bán có điều gì đó mờ ám, vợ chồng ông Đặng làm đơn kiện ra toà án.

Đang chờ tòa giải quyết, bất ngờ vào tháng 4/2009, một công ty bất động sản đến bảo họ đã mua lại lô đất, trong đó có phần căn nhà vợ ông Đặng đang ở. Từ vị trí nguyên đơn trong vụ kiện chủ đất, vợ chồng ông Đặng trở thành bị đơn khi công ty bất động sản đâm đơn kiện ra toà. Khi được triệu tập, ông Đặng trình ra một số giấy tờ thì sau đó công ty này bất ngờ rút đơn kiện.

Vợ chồng ông Đặng đã làm đơn khởi kiện chủ đất và được tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án. Nhưng khi tòa án triệu tập nguyên đơn và bị đơn thì vợ chồng chủ đất đã “mất tích” khỏi nơi cư trú. Trong khi vụ việc đang chờ toà giải quyết có hai thanh niên bịt mặt xuất hiện rồi lái máy xúc ủi sập toàn bộ căn nhà của ông Đặng.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng vô hiệu (vì không tuân thủ các quy định của pháp luật), hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, giá nhà đất ở thời điểm mua khác xa so với thời điểm xảy ra tranh chấp. Vì vậy, ngoài việc mỏi mệt với kiện tụng, nhiều khi người mua có thể bị mất trắng.

Những trường hợp như anh Minh hay ông Đặng không hiếm. Việc mua bán chỉ là trao tay thì khi ra tòa, người mua vẫn luôn ở thế yếu. Thực tế, nhiều vụ khi bản án đã có hiệu lực, người mua phải trả lại nhà đất nhưng nếu họ không tự nguyện còn bị cưỡng chế thi hành án và phải trả các khoản chi phí phục vụ cho việc cưỡng chế. Nhiều vụ người mua phải chờ người đã bán đất cho mình có điều kiện để thi hành án họ mới nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua đất trước đây. Có trường hợp người mua phải trả tiền cho người chủ cũ mới lấy được tiền đền bù.

Hình thức mua bán trao tay, không qua công chứng chứng thực và rất khó kiểm soát vì đó là những giao dịch “ngầm”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Không có công chứng, chứng thực tòa án sẽ không có căn cứ pháp lý để xem xét nội dung, tính xác thực của hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng công chứng có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh. Khi tòa án xét xử những tranh chấp về hợp đồng của các bên, đối với những hợp đồng đã công chứng, việc xét xử sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách hành chính là cần thiết, nhưng đối với công chứng mà quy định là “theo nhu cầu” (tức là không bắt buộc) sẽ nguy hiểm. Với mặt bằng dân trí hiện nay, quy định bắt buộc chưa chắc người dân đã chấp hành, nói gì đến tự nguyện. Bên cạnh đó, lợi dụng sự ít hiểu biết, chủ quan của người dân thông qua mua bán trao tay mà hiện tượng lừa đảo diễn ra ngày càng nghiêm trọng như một mảnh đất, một ngôi nhà có thể bán cho nhiều người…

Hiện nay, quy định công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà đất hiện đang được ghi nhận trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành. Do đó, các chuyên gia cho rằng, không có lý do gì để bỏ quy định này khi nó đang phát huy những tác dụng tích cực trong đời sống.

Theo Công lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm