Muốn được giám định phải có cam kết

Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Bình (tổ 6, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM) cho biết cuối năm 2014, chồng chị bị một người chạy ngược chiều gây tai nạn khiến chồng chị bị thương rất nặng ở đầu. Chồng chị được chuyển qua nhiều bệnh viện cấp cứu và hiện đang điều trị tại BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8).

Chị Bình đang chăm sóc người chồng bị tai nạn giao thông. Ảnh: NH

Suy sụp vì chồng bị nạn

Hẹn gặp chúng tôi tại bệnh viện, một thai phụ khoảng 30 tuổi đón chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi. Chị giới thiệu: “Tôi là Bình, người đã nhờ báo can thiệp trường hợp của chồng tôi. Chị thông cảm vì tôi đang mang thai đến tháng cuối nên hơi mệt, làm gì cũng chậm”.

Dẫn chúng tôi vào phòng bệnh, chị Bình nhẹ nhàng quay sang gọi người đàn ông đang nằm trên giường bệnh: “Chồng ơi, có người đến thăm nè, mau khỏe nha”. Dù không được hồi đáp gì nhưng chị khoe với chúng tôi: “Ngoan lắm, mình nói anh vẫn nghe được nhưng không trả lời được thôi”.

Chị Bình tâm sự: “Vợ chồng cưới nhau chưa được một năm. Từ khi xảy ra tai nạn, tôi bị suy sụp hoàn toàn. Lúc mới chuyển vào BV Chợ Rẫy, nghe bác sĩ báo người nhà chuẩn bị tinh thần, tôi muốn chết đi nhưng nghĩ trong bụng mình còn có con nên phải cố gắng. Tất cả tiền để dành rồi tiền giúp đỡ của họ hàng hai bên đều lo chạy chữa cho anh ấy. Giờ thậm chí tiền sinh con tôi cũng chẳng còn, hằng tháng phải đi vay tiền của người anh để trả viện phí…”.

Sẽ cho giám định

Bên cạnh sự lo lắng cho an nguy của chồng, một điều khiến chị canh cánh bên lòng là đến nay cơ quan công an vẫn chưa xử lý rốt ráo vụ việc.

“Người gây tai nạn sờ sờ ra đó. Họ còn bảo với tôi là hỗ trợ 20 triệu đồng, nếu nhận nhiều hơn thì chồng tôi không được đưa đi giám định. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng công an không khởi tố vụ án để xử lý người gây tai nạn. Họ bảo chồng tôi còn yếu chưa thể đưa đi giám định thương tật được. Trong khi đó bác sĩ nói với tôi có thể một, hai năm nữa chồng tôi mới hồi phục. Như vậy tôi phải chờ đến bao giờ? Gia đình tôi chỉ muốn sự việc sớm kết thúc, người gây tai nạn phải chịu trách nhiệm, không thể để kéo dài…”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại úy Nguyễn Đỗ Khánh Linh, Đội điều tra tổng hợp Công an quận Thủ Đức (nơi tiếp nhận vụ việc), cho biết: “Đúng là phía chị Bình đã có đơn phản ánh vụ việc. Chúng tôi cũng đã định đưa nạn nhân đi giám định theo đúng quy định nhưng được biết là nạn nhân còn yếu nên chưa thể tiến hành. Hiện vụ việc đã vào giai đoạn hoàn tất, chỉ chờ có kết quả giám định của chồng chị Bình. Nếu thương tật từ 31% trở lên thì theo Thông tư liên tịch số 09/2013 (của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao…), công an sẽ ra quyết định khởi tố vụ án”.

Công an quận cũng cho biết rất chia sẻ với hoàn cảnh gia đình. Trường hợp chồng chị Bình còn yếu, nếu đi giám định thì chị phải viết giấy cam kết đồng ý cho đi để tránh những rủi ro ngoài ý muốn. Mặt khác, việc này cũng cần phải có sự hỗ trợ, sắp xếp của bệnh viện. Tới đây, cơ quan công an sẽ tiến hành việc giám định nếu thỏa các điều kiện nói trên.

Phản hồi lại với chúng tôi, chị Bình cho biết nếu trước đây cơ quan công an cho biết sớm như trên thì mọi việc đâu cần phải kéo dài, chị đâu phải chạy ngược xuôi phản ánh gì cho mất công, mất sức. Giờ phía công an đã nói vậy thì chị cũng đồng tình. Chị cũng vừa liên lạc với bệnh viện và nơi đây cho biết chị cần có cam kết chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố trên đường đưa người chồng đến trung tâm giám định. Chị sẽ nhanh chóng thực hiện các yêu cầu này.

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm