Năm học mới, mong gì ở những lớp toàn học sinh giỏi?

Buổi họp thông báo kết quả học tập của tất cả HS do cô chủ nhiệm tổ chức. Trong khi chờ đợi đến giờ họp, cô chủ nhiệm chưa vào, điều đầu tiên làm cho tôi thảng thốt là kết quả học tập của các HS được ghi trên bảng. Lớp sĩ số 42 em nhưng có đến 32 em đạt HS giỏi (76,2%), 10 em khá (23,8%), hoàn toàn không có HS trung bình hay yếu kém. Tất nhiên, với kết quả tuyệt vời như thế thì thầy cô, phụ huynh, HS nào cũng cảm thấy hãnh diện, vui mừng. Tuy nhiên, với tôi, đọng lại câu hỏi to tướng trong đầu là “liệu có nên vui hay nên lo khi một lớp học gần 80% HS giỏi?”.

Ai cũng biết kết quả học tập của một lớp học phải có em giỏi, khá, yếu, kém... Chính vì vậy mới có những thang xếp loại học tập. Là người đã từng trải qua thời đi học phổ thông (ngày trước xếp hạng) và giờ công tác bên ngành giáo dục, tôi hiểu được việc học tập không phải dễ dàng gì.

Nếu như là một trường điểm, trường chuyên, với kết quả học tập như vừa nêu trên thì không đáng để bàn. Còn đây là một lớp học ở một ngôi trường bình thường thì mỗi em có một sức học khác nhau chứ sao lại có quá nhiều HS giỏi như thế? Như thời của tôi học, học trò được nằm trong “tốp 5” (từ hạng một đến hạng năm) phải nỗ lực hết mình, cực kỳ cần cù, thông minh lắm mới đạt được điểm trung bình trên 8.0. Còn bây giờ, điểm trung bình như thế là tầm thường. Nếu vậy, việc đánh giá kết quả học tập của HS kiểu này có còn hữu dụng? Vì nếu cứ như thế thì làm sao HS phấn đấu vươn lên để trội hơn bạn mình, thể hiện năng lực cạnh tranh, lãnh đạo?

Không riêng gì lớp của cháu tôi mà rất nhiều lớp học khác hiện nay, kết quả học tập của HS đa phần đều xếp loại giỏi (có lớp giỏi hoàn toàn). Điều đó phụ huynh có quyền nghi ngờ về việc xếp loại học tập.

Đồng ý rằng việc đề ra chỉ tiêu thi đua có mặt ưu là giúp các cá nhân, tập thể phấn đấu, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất chứ không thụ động, chây ỳ. Tuy nhiên, mặt khuyết của nó quá lớn, dễ làm cho phụ huynh và HS khó biết năng lực thật sự của con em mình.

Năm học mới sắp đến, tôi chỉ mong ngành giáo dục nên xem lại chỉ tiêu thi đua trong học tập. Đừng vì những con số đẹp mà làm hỏng cả thế hệ học trò.

Hãy để cho HS học đúng với năng lực của mình, qua đó phụ huynh và thầy cô hiểu rõ mặt hạn chế của em đó mà cố gắng trui rèn thêm cho kết quả học tập tốt đẹp. Mọi chuyện cứ để nó diễn tiến tự nhiên theo thời gian. Học là để thu nạp kiến thức, kỹ năng sống, tạo tiền đề cho việc lao động giúp ích xã hội trong tương lai chứ không phải vì những bằng khen, những con số điểm 10, những học lực khá giỏi.       

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm