Nên cấm xe gắn máy để chống kẹt xe?

“Cần cấm hẳn xe gắn máy trong lộ trình 20-30 năm tới...” được nhiều cử tri quan tâm. Trong số các ý kiến gửi về Pháp Luật TP.HCM, “phe” đồng tình đang chiếm ưu thế.

Không còn cách nào khác tốt hơn

Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc nếu cấm xe máy, mọi người sẽ đi lại bằng phương tiện gì khi giao thông công cộng chỉ đáp ứng 5% nhu cầu của người dân thành phố, còn xe máy đang đảm đương tới 90% lượng lưu thông? Đến bao giờ thành phố mới xây dựng được các tàu điện ngầm để “đuổi kịp” tốc độ đô thị hóa và người dân có dư tiền của để đi lại bằng phương tiện hiện đại này? v.v...

Để có thể cùng nhìn về một hướng, xin xem lại bảng thống kê sau đây của Ban An toàn giao thông TP.HCM. Đến hết tháng 8-2007, TP.HCM có 316.135 xe ôtô và gần 3,2 triệu môtô, xe máy đăng ký, không kể 60.000 xe ôtô và 700.000 xe máy mang biển số các địa phương khác được người dân sử dụng nhưng chưa sang tên. Ngoài ra còn có 60.000 chiếc xe ba bánh (xích lô, ba gác đạp, gắn máy) và hai triệu xe đạp lưu thông. Tổng chiều dài các đường phố ở các quận, huyện, kể cả các quận mới hiện chỉ hơn 2.000 km. Với lượng xe cộ và người đông đúc như vậy, nếu không tính đến phương án giảm thiểu các loại xe lưu thông thì cả thành phố sẽ đi lại, sinh hoạt... như thế nào? Đồng thời với việc hạn chế xe máy, còn lối ra nào khác hợp lý hơn là đầu tư hạ tầng và phát triển mạng lưới giao thông công cộng các loại (thêm tàu điện ngầm, metro...)?

Tất nhiên, chính quyền không thể cấm ngay mà phải có lộ trình phù hợp (20-30 năm như đề xuất của đại biểu Võ Văn Sen chẳng hạn). Bên cạnh đó, chính quyền phải triển khai nhiều giải pháp bổ trợ khác (hạn chế các phương tiện thô sơ như các loại xe thồ, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, xe ba gác, xích lô...; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông; hạn chế ôtô cá nhân trong giờ cao điểm...).

Nguyễn Bá Lộc (Quận 3)

Để thành phố không trở thành bãi đỗ xe

Lợi thế của xe buýt, phương tiện giao thông cộng cộng rẻ tiền là điều đã được chính quyền tính đến. Được khôi phục từ năm 2001, đến nay toàn thành phố có hơn 3.000 xe buýt các loại, hàng tháng vận chuyển được 900.000 lượt người, đáp ứng cho 5% nhu cầu đi lại. Mục tiêu phát triển đến năm 2010 là mạng lưới xe buýt phải đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại nói chung. Song do cách làm chưa phù hợp (xe lớn chạy đường nhỏ, việc quy hoạch tuyến còn trùng lắp...), ở nhiều nơi, nhiều lúc xe buýt lại là thủ phạm gây kẹt xe, tai nạn... khiến dư luận không hài lòng.

Không thể phủ nhận là với mật độ lưu thông hiện nay, chính sự gọn nhẹ và linh hoạt của xe máy đã không làm cho tình trạng giao thông trở nên bế tắc. Một chiếc xe máy có thể chở hai người, một chiếc xe bốn bánh cũng thường chỉ chở hai người, trong khi mức độ chiếm chỗ của một chiếc xe hơi có thể gấp bốn lần xe máy. Đặc biệt, khi đường kẹt thì xe hơi chỉ có thể nằm chờ, còn xe máy có thể thoát ra theo từng lối nhỏ.

Tuy nhiên, nếu chính quyền cứ “xả cảng” với việc đăng ký, lưu hành xe máy... để “chiều” theo thói quen của nhiều người thì chẳng bao lâu nữa thành phố sẽ chỉ đơn thuần là... bãi đỗ xe! Lúc đó, cả cộng đồng sẽ trở thành nạn nhân của xe máy khi không thể cục cựa, động đậy gì được trên các đường phố chật ních xe, người!

Tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Võ Văn Sen ở chỗ tại thời điểm này, nhà nước không nên đặt nặng giải pháp hạn chế xe máy để chống kẹt xe. Thay vào đó, chính quyền cần nỗ lực xây dựng các phương tiện giao thông công cộng hiện đại đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người. Bấy giờ, thành phố sẽ có đủ cơ sở để thực hiện việc “tuyên chiến” với xe máy!

huytienabc...@yahoo.com

Phải tăng cường cảnh sát giao thông

Riết rồi tôi đâm ngại chạy xe trên đường, trừ khi thật cần thiết. Ngoài việc kẹt xe, người tham gia giao thông còn phải đối mặt với va quẹt, tai nạn, khói xe, bụi bặm..., toàn là những “nguồn nguy hiểm cao độ”. Ngay cả khi đã thật cẩn thận, chạy đúng luật, bản thân mình cũng có thể bị xe khác gây hại!

Nhà tôi ở gần ngã tư đường liên tỉnh 5 - Bùi Minh Trực (quận 8). Chẳng biết bạn có tin không khi tôi rất sợ phải đi qua ngã tư này ngay cả khi hệ thống đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường. Đèn đỏ mà các xe vẫn chạy búa xua, mạnh ai nấy... lách, vọt và tình hình chỉ được cải thiện khi có mặt mấy anh cảnh sát giao thông!

Trước mắt, khi chưa cấm được xe cá nhân, tôi đề nghị chính quyền tăng cường cảnh sát giao thông ở nhiều nơi, nhất là những “điểm nóng” thường xảy ra kẹt xe, tai nạn... Thành phố phải thường xuyên giáo dục, xây dựng (kèm theo biện pháp chế tài thật nghiêm) cái gọi là “văn minh xe máy” để hết thảy mọi người có thể tạm thời đi lại hòa bình với nhau ở nơi đường hẹp, xe đông này.

Nguyễn (nguyenphuongtram@...)

Ưu đãi cho người đi xe buýt

Ở nước ngoài, cháu tôi (bảy tuổi) tự đi học một mình bằng xe buýt. Ba mẹ cháu cũng đi làm bằng xe buýt và không phải lo lắng gì đến việc đưa rước con. Hàng ngày cháu cứ canh giờ để đi bộ từ nhà đến bến xe buýt và chưa bao giờ cháu bị trễ học vì xe buýt luôn chạy đúng giờ.

Còn ở ta thì sao? Thú thật, tôi cũng rất muốn con mình đi học bằng xe buýt nhưng tiếc thay, đây lại là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi lẽ các xe buýt thường xài giờ dây thun và đường phố cũng không thật an toàn cho con tôi đi bộ khi cần thiết. Đôi lúc xe buýt còn “nằm vạ” trên đường vì xe quá lớn lại chạy vào đường quá nhỏ. Chọn xe buýt thì không ổn mà chọn các xe ôtô của tư nhân để hợp đồng đưa rước học sinh cũng không xong vì giá quá cao so với đồng lương công chức của vợ chồng tôi. Rốt cuộc, tôi ráng làm “xe ôm” chở con đến trường.

Tôi đồng ý TP.HCM phải khống chế xe cá nhân với các lộ trình, bước đi thích hợp. Nhưng ngay từ bây giờ, ngoài việc khắc phục những tồn tại, yếu kém của hệ thống xe buýt, tôi đề nghị thành phố nên có giải pháp thu hút người đi xe buýt. Như “ai bước lên xe buýt trước 6 giờ 30 thì được miễn phí nhằm hạn chế bớt người và xe trong giờ cao điểm” mà đại biểu Nguyễn Thanh Chín (Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM) từng đề nghị chẳng hạn.

Trần Thị Thu Hiền (15/7 Huỳnh Tấn Phát, quận 7)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm