Một phương án hay để chặn tận gốc nạn trộm chó

Trong thời gian qua, hàng loạt vụ trộm chó bị phát hiện và xử lý. Mới đây nhất là vụ Công an tỉnh Đồng Nai bắt kẻ trộm chó cùng người tiêu thụ ngay tại lò mổ (xem thêm bài “Mật phục bắt trộm chó tại lò mổ” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 2-9). Tuy nhiên, đó chỉ là con số nhỏ lẻ so với những vụ trộm chó diễn ra hằng ngày, hằng giờ từ nông thôn cho đến thành thị.

Bất cứ ai có nuôi trong nhà một con chó để làm cảnh hay trông giữ nhà cửa đều hiểu vì sao họ căm ghét người trộm chó đến thế. Bởi mất đi một con thú cưng có thể gây tổn thất tinh thần lớn cho chủ nhân. Người dân mong muốn bên cạnh việc xử lý hành vi vi phạm, chúng ta phải có nhiều cách khác nữa để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này.

Vô tình hành xử phạm pháp

Thời gian qua, nhiều vụ “cẩu tặc” bị người dân bắt quả tang và đánh đến thừa sống thiếu chết, phải nhờ công an giải cứu. Như trường hợp xảy ra tại thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) hồi tháng 8, thủ phạm Lê Văn Trọng và Nguyễn Thiện Thành bị bắt quả tang trộm chó và… bị đánh.

Tuy nhiên, từ việc bức xúc với kẻ trộm, mọi người muốn dạy cho chúng một bài học nhưng vì hành xử thái quá, người bị mất chó lại có hành vi vi phạm pháp luật. Vụ án mạng xảy ra ở thôn Lôi Khê, xã Hồng Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) năm 2013 vẫn khiến người dân bàng hoàng. Hôm đó, người ta phát hiện hai thanh niên đi xe máy trộm một con chó của gia đình ông Vũ Văn Thành (cùng thôn) nên truy đuổi. Một trong hai tên trộm là Nguyễn Văn Công bị bắt giữ. Đám đông đã xúm vào đánh người này để trừng phạt. Vụ việc xảy ra chỉ cách trụ sở công an xã 1 km nhưng công an đã không can thiệp kịp thời. Công chết trên đường đi cấp cứu vì đa chấn thương.

Những người dân này đã bị TAND tỉnh Hải Dương xét xử vì tội cố ý gây thương tích.

Một phương án hay để chặn tận gốc

Hẳn là không ai nghĩ khi đánh (trừng phạt) bọn trộm, mình lại phải vào tù, tuy nhiên việc đánh chết hay đánh bị thương, thậm chí chỉ đốt xe của người đi trộm như trên cũng là vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Vấn đề là phải làm thế nào để ngăn chặn những kẻ trộm này một cách triệt để để người dân không vô tình rơi vào tình thế phạm tội. Việc đánh người như trên không những không có hiệu quả triệt để mà còn khiến bản thân bị vạ lây.

Vừa qua, Công an phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã có một phương pháp mới để đối phó với cẩu tặc. Đó là cử lực lượng chốt chặn ngay tại chính các cơ sở đầu nậu, giết mổ, buôn bán thịt chó trên địa bàn. Khi có đối tượng khả nghi đến bán chó thì lập tức truy xét và sẽ dễ dàng tóm gọn.

Từ biện pháp này, ngày 31-8, công an đã bắt được Lê Kim Phụng (30 tuổi) và Nguyễn Ngọc Tuấn (19 tuổi) cùng ngụ xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa ngay tại nơi chúng bán lại hai con chó vừa trộm được.

Phương án tác chiến của Công an TP Biên Hòa vừa bắt được trộm vừa chấn chỉnh cơ sở thu mua khiến những đơn vị này không dám giao dịch mua bán chó không rõ nguồn gốc. Nếu quản lý và siết chặt được ngay tại đầu mối như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ cắt được đường làm ăn của “cẩu tặc”. Cũng cần phải bàn đến việc truy cứu trách nhiệm của những kẻ tiêu thụ món hàng gian đặc biệt này. Khi đó đầu nậu không dám mua, kẻ trộm dù có “hàng” cũng không thể bán, vấn đề sẽ được xử lý tận gốc. Đây là một phương án vừa không tốn sức cho cơ quan điều tra vừa thực sự hiệu quả.

Chúng tôi cho rằng các địa phương nên nhân rộng cách thức này. Trước mắt là tập hợp, lên danh sách các cơ sở thu mua, chế biến, sau đó bố trí lực lượng theo dõi. Nếu thấy ai khả nghi thì kiểm tra và đấu tranh xử lý.

Bên cạnh đó cũng tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân để họ thấy rằng nếu có hành vi trộm chó thì chắc chắn không có đường thoát. Người tiếp tay tiêu thụ lâu nay không bị truy cứu gì thì nay cũng không thể tránh khỏi chế tài của pháp luật. Nếu chúng ta xử nghiêm, phát hiện ngay các vi phạm thì người dân sẽ ủng hộ và qua đó họ sẽ không có những hành xử quá tay…

PHƯƠNG DUNG

Xử lý triệt để giúp người dân an tâm

Theo thống kê của công an, những kẻ trộm chó đa phần là thành phần hút chích, nghiện ngập cần có tiền để thỏa mãn cơn ghiền. Chúng sẵn sàng ra tay với bất kỳ chú cẩu nào bất cẩn “sảy nhà”. Nếu trước đây chúng chỉ đi lùng bắt chó vào ban đêm thì bây giờ giữa thanh thiên bạch nhật cũng sẵn sàng dụng cụ để bắt trộm chó. Nếu bắt được chó cảnh, chúng sẽ đòi tiền chuộc hoặc đem bán cho tiệm thú nuôi; còn chó thường sẽ bị đưa đi bán vào các lò mổ.

Lực lượng công an khu vực hiện chưa thể lùng bắt những đối tượng này do chúng hoạt động riêng lẻ, bất chợt và khó đoán. Chính vì vậy lâu nay chỉ có chủ nuôi phải tự thân vận động bảo vệ người bạn bốn chân của mình.

Chị Diễm Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Ngày xưa người ta nuôi chó là để giữ nhà, còn ngày nay nuôi chó thì chủ phải để mắt để giữ chó. Trong xóm chị có rất nhiều con chó cảnh bị bắt trộm. Nhà chị cũng nuôi một con mà lúc nào cũng phải để mắt canh chừng như canh em bé.

Chị Ngọc Hạnh (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: Nếu cơ quan chức năng hỗ trợ tốt người dân, đặc biệt ngăn ngừa ngay từ cơ sở thu mua, chế biến thì người dân sẽ yên lòng hơn. Chủ cơ sở thu mua không dám mua chó trộm thì chắc hẳn việc trộm chó sẽ giảm ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm