Người gây hại bắt đền nạn nhân!?

Chuyện lạ đời trên xảy ra ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 2006, Công ty liên doanh TNHH Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu khởi công xây dựng chung cư cao tầng tại 600A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh. Việc thi công làm hơn 20 căn nhà xung quanh bị nghiêng, bong nền, nứt tường... nghiêm trọng. Theo Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, những căn nhà này có thể sập bất cứ lúc nào.

Không chịu di dời là có lỗi?

Do nằm sát công trình trên, căn nhà ba tầng lầu đồng thời là trụ sở kinh doanh của ông Lưu Đức Thắng bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty Daewon Hoàn Cầu đã đồng ý hỗ trợ cho ông Thắng tiền thuê nhà, di chuyển đồ đạc, văn phòng lẫn thiệt hại kinh doanh. Giữa tháng 5-2007, khi đang thương lượng mức bồi thường, hỗ trợ, Công ty Daewon Hoàn Cầu đột ngột rút cam kết hỗ trợ vì cho rằng ông Thắng thường thay đổi yêu cầu, công ty không thể đáp ứng... Sau đó, công ty đâm đơn kiện đòi ông Thắng bồi thường thiệt hại 1,5 tỷ đồng.

Trong đơn khởi kiện, công ty cho biết: Để hạn chế thiệt hại, công ty đã đề nghị các hộ dân di dời ra khỏi nhà, một số hộ đã thực hiện, còn ông Thắng thì không di dời (cũng không có biện pháp chống đỡ nhà). Công ty đã cố gắng thương lượng nhưng ông Thắng lại đưa ra các yêu cầu không có cơ sở. Quá trình thương lượng dằng dai khiến tiến độ công trình bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn bàn giao nhà cho khách hàng và công ty có thể bị phạt hợp đồng, bị mất uy tín kinh doanh...

Ai phải bồi thường cho ai?

Ông Thắng đã hết sức bất ngờ với việc bị “lôi” vào vòng tố tụng dân sự. Ông nói: “Đang ở yên ổn thì nhà tôi bị nứt tường, bị nghiêng... Việc thi công của Công ty Daewon Hoàn Cầu đã làm cho đời sống, công việc kinh doanh của tôi bị xáo trộn, tinh thần và sức khỏe của tôi bị giảm sút. Đến giờ, công ty vẫn chưa bồi thường cho tôi mà lại còn kiện tôi là sao?”.

Trước yêu cầu khởi kiện của Công ty Daewon Hoàn Cầu, ông Thắng đã phản tố, yêu cầu công ty ngừng ngay việc thi công, chờ lập phương án xử lý, khắc phục sự cố. Nếu vẫn thi công tiếp và gây ra thiệt hại, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm. Ông Thắng còn yêu cầu công ty nhanh chóng thuê nhà ở, văn phòng công ty, kho chứa để ông di dời về đó nhằm hạn chế thiệt hại cho việc kinh doanh của ông. Nếu không thực hiện các yêu cầu này, Công ty Daewon Hoàn Cầu phải ứng trước cho ông trên 790 triệu đồng và ký quỹ ba tỷ đồng để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại.

Một thẩm phán TAND TP.HCM cũng ngạc nhiên về yêu cầu đòi bồi thường nói trên của Công ty Daewon Hoàn Cầu. Về nguyên tắc, nếu đã xác định được nhà ông Thắng hư hỏng do việc thi công chung cư gây ra, chủ đầu tư phải bồi thường. Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại và nếu không thể thống nhất được, ông Thắng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết. Cần lưu ý, trước khi bị khởi kiện, ông Thắng chưa hề bị UBND quận Bình Thạnh ra quyết định hành chính buộc di dời ra khỏi căn nhà đang ở nên ông không bị xem là có lỗi khi tiếp tục ở lại. Thành thử, nếu vì ông Thắng chưa đi mà công ty không thể “mạnh tay” thi công, ông cũng không phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã xảy ra cho công ty.

Hiện TAND quận Bình Thạnh đã hòa giải lần một nhưng các bên vẫn giữ nguyên yêu cầu. Chưa rõ tòa phân xử thế nào nhưng theo Sở Xây dựng, những hư hỏng của hơn 20 căn nhà trên phải được Daewon Hoàn Cầu khắc phục, bồi thường. Nhà nào hư nặng quá, không sửa được thì công ty phải xây dựng lại cho gia chủ (có thiết kế bản vẽ).

Theo UBND phường 22 (quận Bình Thạnh), phường này đã nhiều lần hòa giải yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại cho các nhà dân xung quanh nhưng công ty thường cử người không đủ thẩm quyền đến dự. Chủ đầu tư và đơn vị thi công (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Huy Thục) có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thiện chí trong việc bồi thường cho người dân.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm