Người giúp việc xin truy lãnh 37 năm lương

Sau 37 năm phụ giúp việc nhà, bà Hà Thị Thu Nguyệt (52 tuổi) vừa gửi đơn ra TAND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đòi bà chủ NTX (khu 4, thị trấn Cai Lậy) thanh toán tiền công trong ngần ấy năm trời.

Làm công không điều kiện

Trong đơn, bà Nguyệt nêu: Lúc bà mới 15 tuổi, vì nhà nghèo nên cha mẹ đã cho bà đến làm công tại gia đình bà X. Bấy giờ, bà Nguyệt phụ giữ con nhỏ của bà X.

Do gia cảnh khó khăn, bà X. chỉ lo cơm, nước... chứ không trả tiền công cho bà Nguyệt. Phần bà Nguyệt vì thương trẻ nhỏ nên cũng không đòi hỏi gì. Bà tự nguyện ở lại phụ giúp công việc nhà cho bà X. với ước muốn: “Khi nào khá giả, bà X. trả công cho tôi cũng được. Nếu không, hai bên cứ xem nhau như người thân trong nhà. Tôi không có chồng, cha mẹ mất sớm, anh chị em đều nghèo. Chừng tôi già yếu, gia đình bà X. sẽ chăm sóc tôi đến cuối đời...”.

Mọi chuyện đang diễn ra êm thấm thì hai bên phát sinh mâu thuẫn. Gần đây, bà X. đã quẳng đồ của bà Nguyệt ra sân, đuổi bà ra khỏi nhà. Bà X. còn đề nghị cảnh sát khu vực cắt hộ khẩu của bà Nguyệt trong sổ hộ khẩu của gia đình mình. Bà X. lạnh lùng tuyên bố: “Kể từ nay, hai bên không còn quan hệ gì nữa!”.

Từ chỗ có nơi trú ngụ ổn định, bà Nguyệt lâm vào tình cảnh vô gia cư. Hiện bà Nguyệt đang sống bằng nghề bán vé số và được bà con cưu mang bằng cách hùn tiền thuê phòng trọ để bà ở tạm, giúp bà từng bữa ăn...

Chủ sử dụng lao động có thể phủi tay?

Để có chút vốn làm ăn sinh sống, bà Nguyệt đòi bà X. phải trả cho bà tiền công lao động (chăm sóc bọn trẻ và làm đủ mọi công việc trong nhà...) từ năm 1970 đến nay. Tổng số tiền là hơn 133 triệu đồng (với mức lương khoảng 300.000 đồng/tháng).

Bà X. không đồng ý với yêu cầu trên của bà Nguyệt. Theo bà X., mặc dù không trả tiền công nhưng gia đình bà thỉnh thoảng cũng có cho bà Nguyệt ít tiền. Cụ thể là bà Nguyệt hiện có năm chỉ vàng 18K (đồ trang sức). Ngoài ra, con gái của bà X. đang cất giùm bà Nguyệt một cây vàng 24K với giao kết “Khi nào Nguyệt ra khỏi nhà tôi, chúng tôi sẽ trả lại cho cô ấy”. Những lúc bà Nguyệt đau ốm hay bị tai nạn, bà đều bỏ tiền ra lo chu toàn cho bà Nguyệt tựa như một thành viên của gia đình.

Sở dĩ có chuyện không hay nói trên vì gần đây bà Nguyệt thường hay trèo lên con lươn (dải phân cách) để băng qua quốc lộ 1 đến chơi lô tô với nhân viên và chủ quán đối diện bên kia đường. Có một lần, bà Nguyệt đã bị xe máy đụng bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu. Vì nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không có kết quả, gia đình bà X. đành phải “nói lời chia tay” với bà Nguyệt. Bà X. nói thêm: “Nếu cứ băng qua con lươn vài ba lần/ngày, lỡ bà Nguyệt bị tai nạn nằm liệt giường, có phải “báo” gia đình tôi không?”.

Bà X. cương quyết: “Tôi không hề mướn bà Nguyệt làm công nên không có nghĩa vụ trả tiền lương cho bà ấy. Chẳng qua bà Nguyệt cứ ở miết trong nhà tôi, tôi đuổi cả trăm lần mà vẫn không đi...”. “Không thuê bà Nguyệt thì tại sao bà lại đồng ý cho bà ấy nhập hộ khẩu vào gia đình mình 15 năm nay?”. Bà X. miễn cưỡng trả lời câu hỏi này của chúng tôi: “Tại tôi ngu, thương nó, giờ nó trả báo!”. Cũng theo bà X., nếu bà Nguyệt cứ khăng khăng đòi tiền lương, bà sẽ truy đòi bà Nguyệt khoản chi phí thuốc men, điều trị bệnh tật... mà bà đã ứng ra.

Ông Phan Văn Mẫn, Phó Chánh án TAND huyện Cai Lậy, cho biết tòa này đã mời hai bên đương sự đến tìm hiểu sự việc để có cơ sở thụ lý vụ án. Chưa rõ kết cục thế nào nhưng dư luận địa phương đang nghiêng nhiều về phía bà Nguyệt. Tuy không ký kết hợp đồng lao động, không thỏa thuận cụ thể về tiền lương và hình thức trả lương nhưng rõ ràng quan hệ giữa bà X. với bà Nguyệt là quan hệ giữa chủ sử dụng lao động với người lao động. Theo Bộ luật Lao động, trong thời gian làm việc, bà Nguyệt phải được trả tiền lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định (hiện là 450.000 đồng/tháng). Ngoài ra, khi cho bà Nguyệt nghỉ việc, chủ sử dụng lao động còn phải trợ cấp thôi việc cho bà theo mức quy định cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm