Nhà cháy: Rối bồi thường!

Đến giờ, nhiều cư dân ở Cần Thơ vẫn chưa quên vụ cháy “bí ẩn” giữa hai nhà số 21 và 23 Phan Đình Phùng, TP Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ) vào năm 1999. Nếu các nhà lân cận đều bình yên vô sự thì hai căn nhà trên gần như cháy rụi.

Chưa rõ nguyên nhân

Cả hai căn nhà đều thuộc sự quản lý của Công ty Thương nghiệp tổng hợp TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ. Căn 21 được bà V. thuê để bán mặt hàng thực phẩm công nghệ, căn 23 được ông T. sử dụng để bán đồ điện gia dụng. Sáng sớm hôm 16-6-1999, một ngọn lửa “tai vạ” đã đốt cháy hai nhà. Cho rằng nhà ông T. gây ra đám cháy, bà V. đã khởi kiện đòi ông T. bồi thường thiệt hại 300 triệu đồng.

Tháng 10-2002, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Xét thấy “các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ cơ sở kết luận ông T. có lỗi trong vụ cháy”, tòa này đã bác yêu cầu khởi kiện của bà V.

Tháng 3-2003, do bà V. rút kháng cáo nên TAND tỉnh Cần Thơ đã quyết định đình chỉ vụ án.

Đến tháng 5-2005, khi xét xử sơ thẩm lại vụ án, TAND quận Ninh Kiều tiếp tục xử cho bà V. thua kiện vì “nguyên nhân của vụ cháy chưa được tìm ra”. Kết quả giám định của nhiều cơ quan chức năng cũng như lời thừa nhận của giám định viên tại phiên tòa đều cho rằng “không có đủ chứng cứ để chứng minh hỏa hoạn do điện gây ra...”.

Tháng 7-2005, TAND TP Cần Thơ đã có những phán quyết ngược hẳn với tòa sơ thẩm. Theo hội đồng xét xử phúc thẩm, dù chưa khẳng định được nguyên nhân cháy nhưng căn nhà 23 là nơi cháy đầu tiên. Thành thử, ông T. phải bồi thường cho bà V. hơn 185 triệu đồng.

Ai phải bồi thường?

Trong vụ án này, có cả thảy ba kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự và Phân viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát). Theo hai bản giám định ban đầu, ở những tang vật cần giám định (đoạn dây dẫn điện, quạt bàn, biến thế điện) không có các dấu vết chạm chập điện hay quá tải điện. Riêng bản giám định sau cùng thì cho rằng nguyên nhân cháy “có thể do hiện tượng phát nhiệt điện cục bộ...”. “Có thể” tức là chưa khẳng định được và như vậy đám cháy có thể phát sinh từ điện mà cũng có thể không phải do điện.

Theo luật định, hệ thống tải điện là nguồn nguy hiểm cao độ. Điều 627 Bộ luật Dân sự (cũ) quy định: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ những thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Đối chiếu quy định này, nếu hệ thống điện của nhà ông T. đúng là nguyên nhân gây cháy, ông buộc phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi. Song như đã phân tích ở trên, cơ quan giám định không xác định được nguyên nhân gây cháy (họ chỉ dừng lại ở mức suy đoán). Chính vì thế, việc án phúc thẩm năm 2005 căn cứ vào điều luật trên để buộc ông T. phải bồi thường cho bà V. “do nơi cháy đầu tiên nằm trong nhà của ông” liệu có hợp lý hay không?

Theo nguyên tắc tố tụng dân sự, tòa án phải xét xử dựa vào chứng cứ. Việc tuyên án khi chứng cứ chưa rõ và khi đương sự không chứng minh được yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp là điều không nên. Vì lẽ này, ông T. đã và đang tiếp tục chờ VKSND tối cao, TAND tối cao sớm xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

THANH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm