Nhà nước vẫn è lưng ra bồi thường cho người bị oan

Sau thông tin ông Nguyễn Thanh Chấn đồng ý với mức bồi thường 7,2 tỉ đồng mà các cơ quan tố tụng đưa ra, nhiều bạn đọc chúc mừng người bị oan được bồi thường thỏa đáng nhưng không ít ý kiến băn khoăn: Tiền bồi thường lấy đâu ra; những người buộc tội oan ông Chấn có phải móc tiền túi bồi hoàn?...

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau hơn 10 năm thụ án oan .

Báo cáo giám sát về tình hình oan sai của QH cho biết trong kỳ giám sát (1-10-2011 đến ngày 30-9-2014), khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm chỉ có 71 trường hợp, chiếm 0,02%.Trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp tuy không lớn (khoảng trên 30 tỉ đồng) nhưng việc bồi thường cơ bản còn chậm; hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỉ đồng (hiện ông Chấn đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỉ đồng-PV); vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỉ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong.

Theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (luật TNBTNN), cơ quan công quyền có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Luật cũng nêu trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây thiệt hại sau khi nhà nước bồi thường.

Quy định là vậy nhưng thực tế không mấy công chức, viên chức bị buộc phải trả lại tiền. Bởi lẽ, "người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hoàn trả" (Khoản 2, Điều 56 luật TNBTNN). Đây được xem là quy định "miễn trừ" nghĩa vụ trả tiền cho công chức, viên chức đã gây oan cho người dân.
Trong 71 trường hợp kết luận là oan (2011-2014), nhiều cán bộ tố tụng mất chức, chuyển công tác hoặc bị khởi tố, truy tố về tội Bức cung nhục hình, Thiếu trách nhiệm... Với động cơ là "nôn nóng phá án", "trình độ năng lực hạn chế"... chứ hiếm có trường hợp nào bị quy buộc là cố tình làm oan người vô tội. Vì vậy, họ thoát trách nhiệm hoàn tiền cho nhà nước.

Chưa kể, để người gây oan hoàn tiền, phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp như: lập hội đồng xác định trách nhiệm cá nhân liên quan, chứng minh người có hành vi làm oan là "cố ý", ra quyết định mà chưa chắc đã thực thi được vi có nguy cơ bị khiếu nại, kiện cáo vì tình tiết "cố ý". Trong khi luật cũng chẳng có chế tài nào với người đứng đầu cơ quan nếu không "truy" tiền mà nhà nước đã nồi thường.

Ông Phạm Đức Bình được TAND TP Hà Nội xin lỗi sau gần 14 năm bị oan

Cạnh đó, sau khi luật TNBTNN có hiệu lực, hiện chỉ có thông tư hướng dẫn về bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự và quản lý hành chính (Thông tư liên tịch 06/2014), trong đó có nêu mức bồi hoàn của người gây ra thiệt hại. Riêng trong lĩnh vực hình sự, chưa thấy văn bản hướng dẫn nào. Đây cũng là lý do các cơ quan có cán bộ gây oan cho người khác chưa bị "sờ gáy". Đó là chưa kể nhiều người làm oan nhưng đến khi xác định được thì họ đã chết, nghỉ hưu, chuyển công tác sẽ khó thu hồi tiền cho nhà nước.

Vấn đề cán bộ, công chức gây oan phải hoàn trả tiền cho nhà nước không mới. Bởi từ khi có nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ quốc hội về bồi thường cho người bị oan, đã có nhiều ý kiến đề cập nhưng thời điểm đó chẳng ai phải bồi thường. Đến luật TNBTNN đã ghi nhận điều này nhưng chưa có hướng dẫn. Vì vậy, hơn 10 năm qua, nhà nước vẫn phải lấy ngân sách ra chi trả bồi thường còn cán bộ tố tụng làm oan không phải bồi hoàn.

Điều 52. Kinh phí bồi thường

1. Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.

2. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.

Điều 53. Lập dự toán kinh phí bồi thường

Hàng năm, căn cứ thực tế bồi thường của năm trước, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường.

(Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

***

Theo bạn, việc ngân sách nhà nước (mà trong đó có tiền thuế của dân) phải bỏ tiền bồi thường oan liệu có hợp lý? Vấn đề này cần được quy định như thế nào để tăng ý thức trách nhiệm của cán bộ tố tụng, đồng thời cũng không trói tay họ khi thực thi công vụ? Có nên quy định rõ trong luật "người nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường" mà không căn cứ vào lỗi vô ý hay cố ý, bởi thực tế rất khó chứng minh họ cố ý làm sai? Nếu quy định như vậy thì liệu có dẫn đến khả năng các cơ quan tố tụng "kiên quyết không nhận sai" vì đã làm oan cho người dân hay không, để né trách nhiệm bồi thường...?

PLO mong nhận được những kiến giải từ bạn đọc để góp phần soi rọi thêm vấn đề vốn đang rất thu hút sự chú ý của dư luận.Mọi ý kiến gửi về xin ghi vào phần bình luận ngay dưới bài viết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm