Nhiều cán bộ không chịu... già!

Theo hồ sơ gốc, ông Lê Mười, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, gọi tắt là tập đoàn) sinh ngày 20-5-1947. Theo quy định, ông Mười sẽ được nghỉ hưu vào tháng 5-2007 (đúng 60 tuổi) nên từ tháng 12-2006, tập đoàn đã thông báo việc này đến ông Mười và các cơ quan chức năng.

Bấy giờ, ông Mười đã nộp hồ sơ đề nghị tập đoàn chỉnh sửa lý lịch đảng và sổ bảo hiểm xã hội theo hướng giảm hai tuổi. Để tăng tính thuyết phục, ông Mười trình ra giấy khai sinh mới làm năm 2006 (theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn), ghi năm sinh của ông Mười là 1949 (do UBND xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp). Sau khi được cấp giấy khai sinh, ông Mười cũng đã làm lại giấy chứng minh nhân dân và chỉnh sửa hộ khẩu phù hợp với năm sinh mới của mình.

Theo ông Mười, năm 1963, vì muốn được đi bộ đội nên ông phải khai tăng từ 14 tuổi lên 16 tuổi. Nay ông làm giấy khai sinh mới cho đúng tuổi để “cho con cái biết và phù hợp với mọi hồ sơ cá nhân chứ không phải vì động cơ nào khác...”. Ông khẳng định việc làm này đúng với Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch). Chính vì thế, tập đoàn đã làm sai khi “toan” cho ông nghỉ hưu chưa đủ 60 tuổi. Cụ thể, “các văn bản của hội đồng quản trị (HĐQT) giải quyết việc nghỉ hưu của ông đều được ban hành sau các giấy tờ hộ tịch mới được cấp theo đúng luật định...”.

Ngoài ông Lê Mười, hai trường hợp khác của tập đoàn cũng sửa năm sinh theo hướng giảm hai, ba tuổi. Đó là bà Lê Thị Xuân Thu, sửa năm sinh từ 1952 thành 1954; bà Ngô Thị Quy sửa từ năm 1951 thành 1954.

Vụ việc càng trở nên phức tạp khi Bảo hiểm xã hội TP.HCM không chấp nhận hồ sơ nghỉ hưu của ông Lê Mười vì... chưa đủ tuổi về hưu (căn cứ theo giấy khai sinh mới). Tập đoàn cao su liên tiếp gửi văn bản “báo động” tình hình đến Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội... vì “một số cán bộ khác đang chờ các cơ quan chức năng giải quyết những trường hợp trên để... tiếp tục sửa tuổi”. Theo nhận định của tập đoàn, số cán bộ, bộ đội trước đây không có giấy khai sinh rất nhiều, nay họ làm lại theo kiểu “dùng người làm chứng” rất dễ...

Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

Xã đã làm sai? Theo Điều 43, 45 Nghị định 158, nếu việc khai sinh chưa đăng ký trong hạn quy định thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn. Khi đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: sổ hộ khẩu, giấy CMND, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên... mà trong hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về ngày tháng năm sinh... thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp có sự không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên.

Nếu bỏ qua những nguyên tắc trên và chỉ căn cứ vào xác nhận của người làm chứng (hoặc nội dung tự cam đoan) của người đi đăng ký để cấp giấy khai sinh, ủy ban xã đã làm sai quy định.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm