Nhùng nhằng xử lý xăng dỏm

Dư luận đang rất bức xúc trước hành vi vi phạm của các cây xăng, cụ thể là 11 cây xăng bị kiểm tra, phát hiện treo bảng bán xăng A92, A95 nhưng thực tế xăng chỉ đạt A83, 85, 89…

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng thể hiện ý muốn xử các vi phạm trên thật nghiêm khắc, ngoài phạt tiền thì còn phạt bổ sung, tước giấy phép kinh doanh thậm chí xử lý hình sự.

Pháp luật hiện hành quy định sao về việc này? Liệu đã có đủ các quy định để các cơ quan chức năng dễ dàng hành xử đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của số đông?

Khó nói là “hàng giả”?

Hiện nay Nghị định 107/2008 (về xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại) có quy định xử lý hình sự việc kinh doanh hàng giả. Điều 12 nghị định này quy định “đối với các hành vi vi phạm về hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Thế nhưng muốn áp dụng điều trên thì phải xem 11 cây xăng có buôn bán hàng giả hay không (xăng A83, 85, 89 “đội lốt” xăng A92, A95 có phải là hàng giả hay không?). Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 06/2008 (về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại), có năm loại hàng giả, đáng chú ý là “giả chất lượng và công dụng: Hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa”. Đối chiếu quy định này thì xăng “đội lốt” nói trên chỉ có thể gọi nôm na là xăng dỏm chứ không phải là xăng giả, bởi lẽ xăng đó vẫn có “giá trị sử dụng” là đổ vô bình xăng cho xe chạy!

Nhùng nhằng xử lý xăng dỏm ảnh 1

Theo Nghị định 54/2009, hành vi bán xăng kém chất lượng chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. (Ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết) Ảnh: CTV

Khoản 8 này cũng liệt kê trường hợp “đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành, nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả”. Hiện nay chỉ có ngành phân bón là có quy định riêng cụ thể để xác định phân bón giả. Theo Điều 3 của Nghị định 15/2010 (về xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón) thì phân bón có chất lượng dưới 50% so với mức chất lượng công bố bị xem là phân bón giả.

Thế nhưng trong lĩnh vực xăng, dầu lại không có quy định nào cho rằng xăng kém chất lượng là “xăng giả” cả.

Phạt sao là đúng?

Trong cuộc họp của UBND TP và các sở, ngành về hướng xử lý các cây xăng vi phạm, ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đề xuất nên xem vi phạm trên là hành vi gian lận về chất lượng hàng hóa và có thể áp dụng Nghị định 107/2008 để xử phạt.

Nếu có thể áp dụng quy định này thì ngoài việc phạt tiền, cơ quan quản lý có thể áp dụng thêm hai biện pháp mạnh tay khác là rút giấy phép kinh doanh và tịch thu lợi nhuận bất chính của việc gian lận.

Đề xuất này được hưởng ứng khá nhiều tại cuộc họp. Dư luận cũng rất mong phạt nặng, phạt đến nơi đến chốn, nhất là tước giấy phép kinh doanh của các cây xăng vi phạm.

Tuy nhiên, theo Điều 13 Nghị định 107/2008 thì có hai loại gian lận. Một là gian lận trong cân, đong, đo, đếm, đóng gói hàng hóa; hai là gian lận chất lượng hàng hóa so với công bố chất lượng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.

Với vi phạm đo lường, ví dụ như gắn chip điện tử vào cây xăng để ăn gian lượng xăng bán ra, khi phát hiện con chip thì cơ quan kiểm tra có thể kết luận đây là hành vi cố ý của chủ cây xăng. Thế nhưng trong việc bán xăng kém chất lượng thì rất khó làm rõ, chứng minh hành vi gian lận của chủ cây xăng.

Trong khi đó, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ lại đề xuất áp dụng Nghị định 54/2009 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa) để xử phạt 11 cây xăng bán xăng dỏm. Với nghị định này thì không có biện pháp tước giấy phép kinh doanh của các cây xăng.

Theo Điều 17 Nghị định 54, vi phạm của 11 cây xăng có thể xem là hành vi “bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã công bố hoặc đã được chứng nhận”. Hành vi này có thể bị phạt từ ba đến năm lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm với mức tối đa chỉ là 30 triệu đồng, đồng thời có thể bị buộc chuyển đổi mục đích hoặc tái chế xăng dỏm.

Chưa rõ quy định nào sẽ được chọn nhưng xem chừng Nghị định 54 là phù hợp hơn cả trong trường hợp này.

Tổng kiểm tra kinh doanh xăng và gas từ tháng 1-2012

Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban Chỉ đạo 127 Trung ương, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng từ tháng 1-2012 đồng loạt kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng (gas) trên toàn quốc. Theo đó, sẽ có nhiều bộ, ban, ngành được yêu cầu phối hợp công tác này; trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng sản phẩm của mặt hàng xăng dầu, gas. Bộ Công an kiểm tra việc thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn phòng, chống cháy nổ, tập trung phát hiện và triệt phá các đường dây, tụ điểm có hành vi vi phạm như sang chiết, nạp gas trái phép, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bộ Công Thương cũng đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay khi Nghị định 104 và 105 có hiệu lực về xử phạt hành chính kinh doanh xăng dầu và gas sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, cơ quan chức năng sẽ có thêm công cụ để xử phạt những đơn vị vi phạm với mức phạt cao hơn hiện hành và các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh 12 tháng hoặc trên 12 tháng.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm