Những quy định hiệu lực từ 1-1-2013

Mua sim trả trước: người dùng phải trả phí hòa mạng 25.000 đồng (trả sau là 35.000 đồng). Khoản phí này sẽ được thu một lần ngay khi ký hợp đồng trả sau hoặc khi mua sim trả trước Quy định này nhằm hạn chế tình trạng sim rác tràn lan như hiện nay. Khoản phí hòa mạng của thuê bao trả trước có thể sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước như khoản phí sử dụng tài nguyên đầu số mà các doanh nghiệp viễn thông di động hiện nay đang nộp. (Thông tư số 14 của Bộ Thông tin - truyền thông ban hành ngày 12-10-2012).

*  Mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức lương hiện nay 250.000-350.000 đồng/tháng. Mức lương này sẽ được áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Mức lương tối thiểu vùng I là 2.350.000 đồng/tháng (hiện nay là 2.000.000 đồng/tháng), vùng II: 2.100.000 đồng/tháng (hiện nay 1.780.000 đồng/tháng), vùng III: 1.800.000 đồng/tháng (hiện nay 1.550.000 đồng/tháng) và vùng IV: 1.650.000 đồng/tháng (hiện nay 1.400.000 đồng/tháng). (Nghị định 103/2012 của Chính phủ, thay thế nghị định 70/2011 của Chính phủ).

* Dãn thời hạn đăng ký thất nghiệp từ 7 ngày lên 3 tháng. Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người lao động nếu chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động (nghị định 100/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2013, sửa đổi, bổ sung một số điều tại nghị định 127/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp).

10 luật mới có hiệu lực từ 1-1-2013 gồm: Luật quảng cáo, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật phòng chống rửa tiền, Luật giáo dục đại học, Luật tài nguyên nước, Luật biển Việt Nam, Luật giá, Luật công đoàn, Luật giám định tư pháp, Luật phổ biến giáo dục pháp luật.

* Quốc hội sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng hiến pháp để hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân (nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2012).
 
* Sữa cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá. So với pháp lệnh giá năm 2002, Luật giá có điểm mới ở chỗ yêu cầu cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải công khai thông tin về giá.

Luật giá cũng quy định tiêu chí, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm, phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; văcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật).

* Trẻ sinh tại nhà vẫn được cấp giấy chứng sinh. Đây là thông tin đáng lưu ý trong thông tư số 17 ngày 24-10-2012 của Bộ Y tế (quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh). Cụ thể, nếu trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người thân của trẻ có trách nhiệm điền vào đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh theo mẫu quy định và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp giấy chứng sinh cho trẻ. Trong thời hạn ba ngày làm việc (nếu cần phải xác minh thì thời hạn này là năm ngày làm việc), kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh, trạm y tế xã phải xác minh việc sinh và làm thủ tục cấp giấy chứng sinh cho trẻ.

* Tăng mức thu lệ phí cấp thị thực, thẻ tạm trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể, lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần là 45 USD (thay cho mức 25 USD hiện nay). Thị thực có giá trị nhiều lần sẽ được chia thành ba loại: thị thực có giá trị dưới một tháng, lệ phí cấp là 65 USD, có giá trị dưới sáu tháng: 95 USD, có giá trị từ sáu tháng trở lên: 135 USD...

Lệ phí cấp thẻ tạm trú tăng 20 USD. Cụ thể, thẻ tạm trú có giá trị đến một năm, mức lệ phí tăng từ 60 USD lên 80 USD; thẻ tạm trú có giá trị trên 1 năm đến 2 năm, mức lệ phí tăng từ 80 USD lên 100 USD; thẻ tạm trú có giá trị trên 2 năm đến 3 năm, mức lệ phí tăng từ 100 USD lên 120 USD (thông tư 190/2012 của Bộ Tài chính).

HỒNG NHUNG - BÁ TRUNG (còn tiếp)

* Các lò rượu thủ công “hết đất sống”?

Theo nghị định 94 ngày 12-11-2012 của Chính phủ, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu dạng này cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Những quy định hiệu lực từ 1-1-2013 ảnh 1

Một lò rượu thủ công ở tỉnh Đồng Tháp-Ảnh: Thanh Tú

Như vậy, sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hóa (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu). Còn rượu nấu thủ công, không nhãn hiệu mà lâu nay dân mình nấu, bán thoải mái về nguyên tắc sẽ “không còn đất sống” kể từ ngày 1-1-2013.

Các cơ quan chức năng và chủ các lò rượu thủ công tại những địa phương, nơi có nhiều lò rượu thủ công, tiếp nhận thông tin này thế nào?

Long An từ lâu nổi tiếng với thương hiệu rượu Gò Đen ở huyện Bến Lức. Phòng kinh tế huyện này cho biết số hộ sản xuất thủ công loại rượu này đang ngày càng ít dần do phải chịu sức ép cạnh tranh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hiện chỉ còn khoảng 30 hộ chủ yếu tập trung ở hai xã Mỹ Yên và Long Hiệp là còn nấu rượu theo kiểu thủ công. Các hộ này nấu rượu mỗi lần thường dưới 100 lít, chỉ để cung cấp cho chòm xóm xung quanh là chính. Trong số này mới có ba hộ được cấp giấy phép sản xuất rượu.

Theo ông Phạm Văn Minh - trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh Long An, nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định hiện hành thì gần như tất cả hộ gia đình nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh này đều vi phạm. Do vậy nếu yêu cầu các hộ nấu rượu thủ công phải có nhãn hiệu là điều gần như không thể.

Còn theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 94 nên tỉnh vẫn vẫn áp dụng quy định cũ năm 2008 để quản lý các cơ sở chế biến và kinh doanh rượu trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, trưởng Phòng quản lý công nghiệp Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết nếu chấp hành các quy định về cấp phép, về nhãn hàng hóa thì rất khó đối với người nấu rượu thủ công do họ không kham nổi chi phí. Theo ông Hoàng, toàn tỉnh Đồng Tháp có 3.446 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhưng chỉ có 244 cơ sở được cấp phép. Có nghĩa là đối với các cơ sở chế biến rượu thủ công, ngành chỉ quản lý được khoảng 1,7 triệu lít/năm, số còn lại trôi nổi bao nhiêu thì không thể thống kê, kiểm soát được.

Nhiều hộ dân nấu rượu thủ công cũng than gặp khó dù họ rất muốn chấp hành quy định của Nhà nước. Ông Lê Văn Hội, ngụ xã Tân Mỹ, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết cơ sở của ông mỗi ngày sản xuất khoảng 70 lít rượu, tiền lời từ việc bán rượu không nhiều, phần được lớn nhất là hèm để nuôi gần chục con heo. Song để được cấp phép hoạt động, cơ sở của ông phải thực hiện 10 giấy phép các loại với nhiều ngành khác nhau như y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm định, phòng cháy chữa cháy, môi trường, nhãn hiệu hàng hóa... Trong đó, chỉ riêng giấy kiểm định rượu đã tốn hơn 1 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền khám sức khỏe, chi phí cho những loại giấy tờ khác...

Theo SƠN LÂM - THANH TÚ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm