Nỗi khổ không giấy tờ tùy thân

Chín công dân tại hẻm 27/59 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM đã và đang phải sống trong cảnh không có CMND, sổ hộ khẩu hay bất kỳ giấy tờ tùy thân nào từ nhiều chục năm nay.

Chín công dân “vô danh” ở hẻm 27/59 gồm bà Đỗ Thị Lý, ông Nguyễn Thế Sang, bà Trần Thị Ba, ông Trần Văn Hoàng, ông Ngô Hoàng Hoa, ông Ngô Phúc Long, bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Huệ và ông Trần Văn Ngọc. Người nhỏ tuổi nhất đã 46, người lớn hơn đã 70 tuổi.

Muốn làm gì cũng không được

Những công dân trên đã sống ở đây nửa đời người mà vẫn chưa có CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, bảo hiểm... Chính vì thế cuộc sống luôn ở trong vòng luẩn quẩn, không lối ra.

Những công dân này cho biết trước đây cha ông họ đã sinh sống và làm việc ở những căn chòi nhỏ như bây giờ. Sau giải phóng năm 1975, họ đi kinh tế mới hưởng ứng chủ trương Nhà nước động viên người dân tới vùng đất mới để phát triển kinh tế nhưng sau đó do quá khó khăn họ lại quay về.

Cụ Đỗ Thị Lý ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi sống ở đây đã 70 năm, cũng đi cầu cứu mấy đời trưởng công an phường nhưng vẫn không xin được CMND. Vì không có giấy tờ nên cả đời tôi chỉ đi rửa chén thuê, phụ quán cơm và bán vé số”.

Bà Lý (thứ hai từ trái qua) cùng những người dân trong hẻm 27/59 Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM chia sẻ với PV về nỗi khổ không có giấy tờ tùy thân. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cạnh đó, ông Nguyễn Thế Sang cũng ngán ngẩm cái khó mỗi khi ra đường. “Nhiều khi ra đường gặp CSGT hỏi giấy tờ tùy thân, tôi chỉ ngậm ngùi nộp phạt” - ông nói. Có khi ông trình ra tờ giấy xác nhận có cư trú tại hẻm 27/59 để “làm tin” nhưng chẳng ai biết gì về tờ giấy này.

Cùng hoàn cảnh, các ông Trần Văn Hoàng, Ngô Hoàng Hoa, Ngô Phúc Long và Trần Văn Ngọc đều đã xây dựng gia đình nhưng không làm giấy đăng ký kết hôn được vì không có sổ hộ khẩu và CMND.

Làm lại giấy tờ khó cả đôi bên

Với người dân ở hẻm này, một tờ CMND còn quý hơn vé số độc đắc, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ.

Tủi thân hơn cả là cụ Đỗ Thị Lý. “Tôi có đứa con trai bị tâm thần đang ở trong bệnh viện cũng không được vào thăm vì không có giấy tờ. Mỗi lần đến thăm chỉ biết đứng ngoài và gửi đồ thăm nuôi nhờ người khác mang vào thôi. Tôi mong có cái chứng minh, sau này có chết còn làm được giấy chứng tử” - cụ Lý rơm rớm.

Cụ Lý chia sẻ trước năm 1975, cụ có thẻ căn cước nhưng khi đi kinh tế mới ở Sông Bé (Bến Cát) đã đánh mất. Khi quay về TP, cụ đến công an phường xin làm lại giấy tờ nhưng không được. Cụ nói: “Công an phường cho rằng gia đình tôi cùng các hộ đi kinh tế mới về lấn chiếm hẻm này trong khi cha ông chúng tôi đã sống ở đây rất lâu rồi, chúng tôi chỉ quay lại ở chỗ cũ của mình mà”.

Giống như cụ Lý, bà Ngô Thị Thu cho biết thời trẻ mình đi thanh niên xung phong. Sau năm 1975, bà được chuyển về hãng giày bata ở TP.HCM làm trong khi cả nhà đi kinh tế mới và nộp sổ gia đình cho địa phương. “Trải qua nhiều đời công an phường chúng tôi đều tới hỏi quy trình làm giấy tờ nhưng luôn bị trả lời là không làm được vì cho rằng chúng tôi đang lấn chiếm hẻm” - bà Thu bức xúc.

Trao đổi với PV về hoàn cảnh ngặt nghèo của chín con người này, ông Nguyễn Công Hoản, Phó Công an phường Nguyễn Thái Bình, chia sẻ: “Chúng tôi có nắm được thực trạng của các công dân ở hẻm 27/59 Nguyễn Thái Bình, song đơn vị không có đủ thẩm quyền để giải quyết mà chỉ lập danh sách báo với cấp trên, mong rằng cơ quan có thẩm quyền giải quyết sớm để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng và tiện cho phường quản lý”.

Quận chưa nhận được hồ sơ

Năm 2007, báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh tình trạng hàng trăm bà con ở hẻm 100 Nguyễn Công Trứ và 95 Phó Đức Chính, quận 1 cũng lâm vào hoàn cảnh “vô danh”, không giấy tờ tùy thân. Sau đó, tháng 11-2007, UBND phường Nguyễn Thái Bình đã triển khai cấp số nhà tạm cho 72 căn nhà của các công dân này, từ đó thực hiện việc làm hộ khẩu, CMND cho người dân.

Về trường hợp chín công dân vô danh ở hẻm 27/59 Nguyễn Thái Bình, Thượng tá Lê Hoàng Nam, Phó Trưởng Công an quận 1, trả lời: “Việc cấp CMND do cấp quận, cấp TP giải quyết chứ phường không giải quyết được. Đến giờ công an quận vẫn chưa nhận được hồ sơ phản ánh trường hợp này.

Ngày xưa ở hẻm 95 Phó Đức Chính, người dân không có số nhà, không làm hộ khẩu được, công an quận đề nghị cấp số nhà. Khi có số nhà rồi, người dân mới làm hộ khẩu được.

Nếu có đủ giấy tờ thì việc cấp giấy CMND của quận rất thuận tiện cho người dân. Học sinh đang học ở trường mà có hộ khẩu tại địa bàn quận 1, tới tuổi làm CMND thì nhà trường chỉ cần lập danh sách và hẹn ngày, giờ cụ thể để công an quận cho người tới lăn tay, chụp ảnh luôn.

Việc cần thiết bây giờ là những người dân ở hẻm 27/59 Nguyễn Thái Bình cần tới trực tiếp Công an quận 1, chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục cần những gì. Nếu chúng tôi không giải quyết vì lý do nào đó như thiếu giấy tờ, không đủ điều kiện để làm giấy tờ tùy thân thì chúng tôi sẽ làm văn bản trả lời tại sao không giải quyết để người dân rõ”.

NGUYỄN TRÀ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.