Nóng giận đập đồ người khác, đi tù như chơi!

Có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người đã giải quyết mâu thuẫn bằng cách không đánh đối phương mà đập đồ của họ cho bõ tức.

Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi lấy làm tiếc cho rất nhiều trường hợp và luôn lo sợ cho những người thân, bạn bè rơi vào tình huống này, bởi chỉ cần đập phá tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là cũng dễ bị rơi vào cảnh tù tội rồi.

Chuyện xảy ra ở Long An, hai nhà hàng xóm xảy ra mâu thuẫn, nhà anh A. chọi đá qua nhà anh B. Anh B. đứng ở hàng rào chửi lại. Khi mâu thuẫn lên cao trào, anh B. ra vườn chặt hết một số cây của anh A. nằm sát hàng rào nhà mình. Công an xuống dẹp trật tự, tổng thiệt hại cây cối sau đó lên đến hơn 3 triệu đồng.

Một trường hợp khác: Vợ chồng cãi nhau. Chồng nóng lên đập máy tính của vợ. Khổ nỗi máy tính đó là tài sản của công ty, vợ mang về nhà làm việc. Không chịu nổi cơn vũ phu thường xuyên của chồng, vợ tố chồng ra công an… 

Tất cả tình huống thực tế trên, khi gặp tôi, các nghi can đều ngơ ngác không nghĩ vòng tù tội đang chờ chực họ. Người thì bảo chỉ chặt mấy cái cây của hàng xóm cho chừa tật ném đá qua nhà mình. Người thì nói: “Tôi không đánh phụ nữ nên chỉ đập đồ để kiềm chế cơn tức”…

Trong ý thức của nhiều người, kể cả lúc bình thường cũng như lúc tức giận, không ai nghĩ là mình có lúc lại phạm tội này.

Những vật xung quanh chúng ta có giá từ 2 triệu đồng rất rất nhiều: bảng hiệu, hộp đèn, máy tính, điện thoại, đặc biệt là đồ trang trí trong nhà... Toàn những thứ trở tay một cái là có thể đập.

Sau khi tài sản của mình bị đập phá, có người vì lúc đó cảm thấy tức giận, muốn bên kia phải trả giá nên đi báo công an cho hả giận. Có người chỉ vì muốn giải quyết trật tự nên đi báo công an. Trong ý thức của họ không hề muốn người kia phải đi tù.

Thế nhưng một khi chuyện này đã đến cửa công an mà tài sản bị đập có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì đối phương rất dễ bị khởi tố vì tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Đáng lưu ý là tội này không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, cho nên dù sau đó bị hại có làm đơn bãi nại xin tha cho đối phương thì việc khởi tố vẫn cứ diễn ra. Việc khởi tố bị can là dựa trên căn cứ của pháp luật chứ không phụ thuộc vào việc bồi thường vốn là thỏa thuận dân sự tự nguyện giữa hai bên.

Tội này ít khi bị bắt tạm giam nên nhiều người dù bị khởi tố, bị cơ quan điều tra triệu tập đến làm việc, họ vẫn cứ nghĩ mình không phạm tội nên hầu như không cậy đến luật sư, chỉ khi bị tòa tuyên án mới tá hỏa.

Cách tốt nhất là mong mọi người hãy nhớ về Điều 178 BLHS 2015 và đừng để mình rơi vào khi nóng giận.

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b. Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Trích Điều 178 BLHS 2015)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…