Nước mắm thật, nhãn giả: Tội gì?

Đầu năm 2005, ông NK (ngụ xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mở cơ sở làm nước mắm. Do “sinh sau đẻ muộn”, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng.

Nước mắm thật nhưng nhãn mác giả

Thấy mọi người thích các nhãn hiệu phổ biến như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc-Thanh Châu..., ông K. đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về súc sạch rồi bỏ nước mắm của mình vào. Được một thời gian, ông K. mua chai mới, nhãn mác mới có hình dạng, kiểu dáng hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại một lít và 1/2 lít.

Tháng 9-2007, khi khám xét cơ sở sản xuất nước mắm của ông K., Công an huyện Châu Đức phát hiện ra các hành vi trên. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông K. đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm, thu lợi nhuận ba triệu đồng. Tháng 11-2007, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Châu Đức đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sở ông K. sản xuất. Kết quả giám định của Trung tâm Đo lường chất lượng khu vực III ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai”. Tức là nước mắm của cơ sở ông K. hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Tháng 2-2008, VKSND huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông K. về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Tháng 3, TAND huyện Châu Đức mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử bị cáo K. về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm được cơ sở của bị cáo sản xuất tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả, tòa này tuyên phạt bị cáo K. hai năm tù.

Phạm tội nào?

Không đồng ý với nội dung xét xử này, bị cáo K. đã kháng cáo kêu oan. Theo bị cáo K., vì mục đích kinh doanh mà bị cáo đã mạo muội sử dụng kiểu dáng, nhãn hiệu của các cơ sở khác. Cho nên, bị cáo chỉ có hành vi “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” và do chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này và cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên bị cáo không bị xem là có tội.

Theo Điều 157 BLHS, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Rất nhiều người nghĩ đơn giản hàng giả là hàng có chất lượng kém (như: nói thuốc Tây nhưng lại là khoai mì, nói rượu nhưng lại là nước lã pha cồn, nói mật ong nhưng lại là mật đường...). Thực ra, có hai loại hàng giả: hàng giả về chất lượng hoặc công dụng (như các ví dụ nêu trên); hàng giả về hình thức (tức là giả về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp...). Còn theo Điều 171 BLHS, người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa... gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Sử dụng trái phép là tự ý khai thác những lợi ích của những kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu...

Ở đây, bị cáo K. làm nước mắm thật với chất lượng không thua kém ai. Song bị cáo đã tự ý dùng nhãn mác, kiểu dáng chai của các cơ sở khác khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm của cơ sở khác. Như vậy, bị cáo K. đã có dấu hiệu phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” (hàng giả về hình thức) theo Điều 157 hay chỉ có hành vi “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” ở chỗ sử dụng trái phép kiểu dáng, nhãn hiệu của các cơ sở khác?

Nhiều ý kiến khác nhau

Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định K. đã phạm tội làm và bán hàng giả. Bởi lẽ các chai nước mắm của cơ sở K. được gắn nhãn mác giả mạo.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng K. chỉ có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vì K. chỉ lợi dụng uy tín thương mại của các cơ sở khác để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng nước mắm. Trước mắt, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính K. theo Nghị định 106 ngày 22-9-2006 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp). Sau đó, nếu K. còn vi phạm thì các cơ quan pháp luật có thể xem xét, xử lý hình sự K. về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Lại có ý kiến cho rằng giữa hàng giả (về hình thức) và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang có một số dấu hiệu bị trùng nhau. Do cách xử lý và hình phạt của hai tội này hoàn toàn khác nhau nên để đâu đó rõ ràng, các cơ quan pháp luật nên cố gắng phân biệt rạch ròi theo hướng thu hẹp các tiêu chí xác định hàng giả.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc kết quả xét xử phúc thẩm tới đây của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Có một vụ tương tự bị xử tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

Năm 2004, Công an quận Tân Phú phát hiện Công ty TNHH Nam Bình do ông Bùi Trung Hòa làm giám đốc đã sử dụng nhãn hiệu “Red Bull” và hình hai con bò húc nhau màu đỏ (nhãn hiệu của một công ty đã được bảo hộ độc quyền tại VN) để sản xuất nước uống tăng lực. Ngày 21-1-2008, TAND TP.HCM đã xử phạt bị cáo Hòa hai năm tù (cho hưởng án treo) về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm