“Osin” bất đắt dĩ nơi công sở

Câu chuyện về “sẵn tiện”

Giúp đỡ đồng nghiệp khác luôn là hành động đẹp để ghi điểm trong mắt mọi người nơi công sở và củng cố quan hệ của bạn ngày một tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đừng tự biến mình thành một “người giúp việc của chung”. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của bạn, thậm chí có thể sếp sẽ đánh giá bạn là một nhân viên “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” trong khi việc người thì xong, việc mình vẫn chưa thông.

Mỹ Ngọc (33 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất) là một cô gái ưa chuộng châm ngôn “dĩ hòa vi quý”. Vừa vào công ty mới, cô luôn tỏ ra dễ chịu trong mắt mọi người và tránh tối đa việc làm mích lòng các “ma cũ” trong công ty. Nhờ hiền lành và có vẻ dễ chịu, mới vào công ty được một tuần nhưng mọi người đều yêu quý và xem Ngọc như “chị em trong nhà”. Mà đã là chị em trong nhà thì đôi khi người ta lại ít tính toán với nhau.

Sáng đầu tuần thứ Hai, Ngọc được bà chị lớn phòng tài chính kế toán nhờ chở đi nộp báo cáo thuế vì “sẵn tiện” Ngọc đi công việc. Đến chiều, cô lại được cô em nhỏ cùng tổ nhờ lấy giúp mẫu sản phẩm chụp hình trong một chiều mưa tầm tã vì “em bận tay quá, chị giúp em với. Chị em với nhau mà”. Kết cuộc là cô bạn phải loay hoay với xe bị chết máy giữa đường trong làn nước ngập lênh láng, phần đồ án của mình vẫn chưa xong trong khi cô em ở văn phòng vừa nhởn nhơ check mail và… ăn chè cùng các đồng nghiệp khác. Chỉ vì mang tiếng “chị em với nhau” mà Ngọc ngại từ chối những lời nhờ vả.

Hay như Oanh Nguyễn (28 tuổi, giáo viên tiểu học quốc tế) vẫn còn ấm ức khi nhớ đến chuyến đi chơi dài ngày với đồng nghiệp ở Phan Thiết nhân dịp hè. Suốt chuyến đi, Oanh như một “người giúp việc” theo lo từ chuyện ăn uống đến việc… toilet khách sạn bị nghẹt. Chuyện gì cũng “Oanh ơi, Oanh à, sẵn tiện em giúp chị với…”. Cái đáng nói khi những người đi cùng đều là những người trưởng thành và có suy nghĩ cũng như cách hành xử đáng lý phải chính đáng chứ không phải kiểu trẻ con hở ra một tí là nhờ quyền trợ giúp. Cô ngậm ngùi nhắc lại “đôi khi thấy đồng nghiệp vui vẻ xởi lởi với mình, mình cứ nghĩ họ thật tốt. Tuy nhiên, ở gần mới biết, điều gì họ cũng biết nhưng thiếu một chút là… biết điều”.
 
Thoát khỏi chức danh “osin không công”

Biết rằng đôi khi thật khó mở lời từ chối lời nhờ vả, bạn vẫn phải trang bị cho mình một cái đầu lý tính để hành xử hợp lý thay vì cứ hay cả nể và tốt bụng quá mức cần thiết:
 
1.      Tôi là người bận rộn: Đôi khi viện một lý do bận rộn nào đó để từ chối cũng là một cách cư xử khéo léo và tế nhị. Khi bạn bận rộn, đồng nghiệp cũng ái ngại nhờ bạn. Thật ra đôi khi chính bạn dễ dãi nên người ta mới cậy nhờ mà thôi.

2.      Giúp lần đầu kèm theo yêu cầu cho lần sau: Nếu bạn quá cả nể và cảm thấy không thể từ chối, bạn hãy giúp đồng nghiệp mình một lần kèm theo lời bỏ ngỏ: “Việc này cũng hơi bất tiện cho em nhưng em sẽ cố gắng giúp chị/anh một lần xem sao”. Câu nói này sẽ giúp bạn “mở đường” cho những lần từ chối sau và cũng sẽ là rào chắn để các đồng nghiệp biết ý từ chối của bạn.

3.      “Đeo kính râm và đội mũ phớt” trong những trường hợp bạn cảm nhận được rằng “mình sắp bị nhờ vả vô lý”. Hãy giả đò ngó lơ hoặc cười trừ rồi “thoát thân” cho mọi yêu cầu việc không tên mà bạn cảm thấy rằng nó gây khó chịu hay ức chế cho mình. Thà mang tiếng vô tâm vô tư một chút cũng không ảnh hưởng gì đến công việc của bạn.

4.      Việc ai nấy làm: Thẳng thắn là điều tốt nhưng đôi khi “vuốt mặt cũng nên nể mũi” bạn nhé. Lời từ chối thẳng thắn đôi khi gây khó chịu cho đồng nghiệp bạn đấy. Nếu bạn là quý nàng cá tính, sẵn sàng đối mặt mọi trở ngại từ đồng nghiệp, bạn có thể chọn cách từ chối thẳng thừng khi yêu cầu “việc ai nấy làm”.

phunungaynay.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm