Phải ăn thịt có cysteamine thêm 1 tháng nữa!

Cách đây hơn một năm, cả nước giật mình khi biết những miếng thịt heo mà mình ăn hằng ngày đa số đều được nuôi bởi chất cấm salbutamol. Chất này vừa được siết lại quy trình nhập khẩu vài tháng thì nay lại một thông tin khác làm các bà nội trợ đau đầu: Rất nhiều thịt heo được bán trên thị trường được nuôi từ cysteamine - một chất có khả năng cao gây ung thư.

Chưa chịu cấm

Trong quá trình thanh tra, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT phát hiện chất có tác dụng tạo nạc, tăng trọng lượng nói trên. Điều đáng bàn là mặc dù đã phát hiện ra chất này được dùng tràn lan trong chăn nuôi heo nhưng để thống nhất đánh giá tác hại của nó gây ra cho người tiêu dùng thì vẫn “ông nói gà, bà nói vịt” và còn đợi… họp để thống nhất.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, cysteamine hiện nay bị cấm ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và EU. Chỉ duy nhất còn Trung Quốc cho phép sử dụng cysteamine trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có quy định cấm.

Trong khi đó, tác hại của chất này đối với sức khỏe con người ra sao thì các nhà khoa học đã lên tiếng. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy việc dùng liều cao cysteamine là nguyên nhân dẫn tới loét tá tràng, viêm loét dạ dày, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, hoại tử vỏ thượng thận và dị tật thai nhi. Viện Thú y cho biết những người nếu ăn phải thịt được nuôi từ cysteamine trong thời gian dài dễ mắc các bệnh ung thư.

Người tiêu dùng khó phân biệt thịt heo trên thị trường chứa chất tạo nạc. Ảnh: HTD

Phải chờ họp bàn

Hãy nhìn vào mâm cơm của đại đa số gia đình người Việt hiện nay để thấy thịt heo vẫn là thức ăn chính. Vì vậy, thông tin về cysteamine lập tức gây hoang mang lớn cho xã hội. Điều mà dư luận quan tâm là tại sao thực trạng sử dụng chất cysteamine đã được báo động từ đầu năm 2016 và nay đã gần hết năm mà các cơ quan chức năng phản ứng vô cùng chậm chạp, đến mức ngay cả quy trình kiểm tra và phát hiện cysteamine trong chăn nuôi và trên thịt heo cũng chưa được ban hành. Một điều vô cùng khó hiểu nữa là khi các công bố về tác hại của chất này được khuyến cáo mạnh mẽ như hiện nay thì những người có trách nhiệm vẫn bận cãi nhau. Thông tin báo chí cho thấy lãnh đạo và Thanh tra Bộ NN&PTNT đều đồng tình việc cấm nhưng lãnh đạo Cục Chăn nuôi lại bảo chờ thêm bằng chứng khoa học. Vì vậy mà phải đợi đến cuối tháng 11 này, sau khi họp thống nhất lần cuối mới đưa chất cysteamine vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi. Một việc đã được báo động từ đầu năm, một việc nếu không xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả và tác hại khôn lường cho xã hội mà xã hội vẫn phải tiếp tục gánh chịu hậu quả thêm hơn một tháng nữa! Chẳng lẽ Trung Quốc vẫn cho phép sử dụng chất cysteamine thì Việt Nam cũng cho phép? Chẳng lẽ Mỹ, EU và hàng loạt nước khác đã cấm không đủ để ai đó “động lòng”?

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT đã nói sẽ đưa cysteamine vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi nghĩa là đã công nhận đây là chất độc hại nên mới cấm, vậy tại sao từ bây giờ không ban hành ngay một quy định tạm thời để cấm và tiến hành ngay các biện pháp để giải quyết vấn đề từ gốc rễ như quản lý thị trường, kiểm tra, xử phạt thật nặng những người buôn bán, những cơ sở chăn nuôi sử dụng loại chất cấm này? Cán bộ thú y dẫu có nghi ngờ cũng không thể làm gì được, vì chưa cấm thì họ chưa có cơ sở để lấy mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm cysteamine. Việc xử lý cũng cần nghiêm minh, mạnh tay, thậm chí phải xem xét trách nhiệm hình sự chứ không thể xử kiểu hành chính kiểu “gãi ngứa” như lâu nay vẫn làm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng Việt Nam nằm trong tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới với 200.000 ca ung thư mới mỗi năm và 35% số này đều có nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm bẩn. Con số đau lòng và khủng khiếp này liệu đã có thể làm cho các vị có trách nhiệm bớt tranh cãi về tính độc hay không độc của chất cysteamine hay chưa?

Xin hãy vào cuộc ngay bởi đây là việc cấp bách, không thể đợi đến cuối tháng 11 được!

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI

• Giá cứ phát hiện vi phạm này, phạt 5-10 năm tù thì đố ai dám tái phạm. Cứ la, cứ nói, cứ thảo luận... mà không có động thái quyết liệt, chỉ phạt tiền thì đâu cũng vào đấy.

Bạn đọc Ông Hai

• Đại diện Cục Chăn nuôi nghĩ sao mà bảo chờ thêm? Thế giới người ta đã nghiên cứu kỹ càng nên mới cấm. Chờ đến bao giờ? Các vị có dám để người nhà mình ăn thịt heo có cysteamine không?

Bạn đọc Nguyễn Văn Thiện
(
Đường Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp, TP.HCM)

Liên tục phát hiện

• Từ tháng 8-2016 đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi sử dụng cysteamine.

Ngày 5-8, Bộ NN&PTNT và Bộ Công an đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công Nghệ Đổi Mới (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) nhập sản phẩm dinh dưỡng bổ sung Maxsure và Synergrown dành cho chăn nuôi, xuất xứ từ Thái Lan. Hai sản phẩm này có hàm lượng cysteamine là 29.898 mg/kg và 30.645 mg/kg.

Thanh tra Bộ còn phát hiện một công ty ở Bình Lục, Hà Nam đã nhập đến bảy tấn Maxsure trong vòng ba tháng. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), đã có hiện tượng sử dụng cysteamine tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…