Phạt vậy, ai sợ?

Chín xe tải chở tới 140.000 con tôm, 6.500 con gà thịt, 164 con heo, gần 4.000 con vịt. Ngoài ra, còn có chủ hàng sử dụng một giấy kiểm dịch cho nhiều lô hàng, bị phạt 15 triệu đồng.

Với số lượng hàng vi phạm như vậy, phạt như vậy liệu thấm tháp gì không? Chín chủ hàng bị phạt 40 triệu đồng, tính ra trung bình mỗi xe hàng vi phạm chỉ bị phạt chưa tới 5 triệu đồng; ngay cả người bị phạt nhiều hành vi thì số tiền cũng chẳng bao nhiêu. Thử hỏi, hàng trăm ngàn con tôm, gà, heo, vịt bẩn ấy mà tuồn vô chợ, vô quán ăn, bao nhiêu người phải gánh chịu hậu quả?

Vấn đề không phải cơ quan thú y phạt ít, mà do luật quy định mức phạt chỉ thế thôi! Theo Nghị định số 119/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi vi phạm vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Mức phạt như vậy là quá thấp, không đủ răn đe, cần tăng gấp 4-5 lần giá trị lô hàng. Nếu xét về mức độ nguy hiểm cho xã hội thì việc vận chuyển, kinh doanh động vật không qua kiểm dịch là khá cao, thậm chí rất cao. Ví dụ, nếu 6.500 con gà nêu trên bị nhiễm cúm H5N1 được vận chuyển trót lọt qua các trạm thú y rồi ra đến chợ, vào bếp ăn của từng gia đình thì hậu quả khôn lường. Nguy cơ hàng ngàn người dân nhiễm cúm H5N1 là điều rất dễ xảy ra. Ai xấu số không phát hiện kịp thời thì có thể bị tử vong,… Phạt quá thấp thì các thương lái sẽ không phải ngần ngại khi vận chuyển, kinh doanh động vật lậu, bởi nó không là gì so với khoản lợi nhuận ngất ngưởng mà họ thu được.

Chế tài xử phạt không nghiêm chính là nguồn gốc gây ra nhưng vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên. Cần tăng nặng chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc để thương lái “qua mặt” cũng cần nhắc đến trách nhiệm, nghiệp vụ của cơ quan chức năng, bằng việc chế tài rõ ràng những cán bộ, nhân viên để lọt hàng lậu hoặc câu kết vi phạm.

NGUYỄN THẢO AN (Phú Nhuận, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm