Phòng, chống tham nhũng phải có kết quả bước 2

Phòng, chống tham nhũng nhất định phải có kết quả bước hai: Đó là mong mỏi của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài “Đại biểu QH đề nghị Thủ tướng báo cáo vụ PCI” (Pháp Luật TP.HCM ngày 23-10).

Xử lý nghiêm những vụ vi phạm

Con số 165/537 (hơn 30%) tội phạm tham nhũng năm 2009 được hưởng án treo dễ khiến dư luận bất bình. Song nhìn từ góc độ áp dụng pháp luật, các tòa đã xử có căn cứ. Bởi những vụ bị phát hiện và đưa ra xét xử chẳng qua chỉ là những vụ tham nhũng vặt.

Cán bộ xà xẻo của công dăm ba chục triệu đồng, khi bị phát hiện, họ trả lại tiền để khắc phục hậu quả. Cộng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, gia đình có công, bản thân có nhiều bằng khen... là họ có thể được hưởng án treo.

Vậy thì địa chỉ của những vụ tham nhũng lớn nằm ở đâu?

Luật Phòng, chống tham nhũng đã xác định kê khai tài sản của người có chức, quyền là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Làm được việc này một cách thực chất sẽ “lòi” ra những khối tài sản bất minh. Và đây cần được xem là một trong những cơ sở để điều tra nhằm phát hiện hành vi tham nhũng.

Phải thấy rằng chống tham nhũng là một cuộc chiến khó khăn, bởi như nhận định trong nhiều báo cáo của chính các cơ quan chức năng, tham nhũng đang ngày càng tinh vi hơn. Việc bắt quả tang một vụ tham nhũng lớn càng khó hơn gấp bội. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có cách hành xử đúng đối với mỗi vụ tham nhũng hiếm hoi được phát hiện. Nghĩa là phải xử lý nghiêm, không bao che với người có hành vi tham nhũng, không trù dập người tố cáo tham nhũng. Có như thế mới tạo được sự tin tưởng trong dân chúng, bởi chỉ khi nào có dân tham gia thì cuộc chiến chống tham nhũng mới có thể thành công.

Thái Ngô (481/25B Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM)

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Phân vân của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga rằng “Án tham nhũng thấp có đồng nghĩa với tình hình tham nhũng giảm?” cũng là phân vân của đông đảo người dân chúng tôi. Nếu có quyết tâm thực hiện, tôi cho rằng phòng, chống tham nhũng không phải là một cuộc chiến quá bất khả thi.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 liệt kê 12 hành vi tham nhũng. Trong đó, nhũng nhiễu vì vụ lợi cũng là hành vi tham nhũng. Nhiều bạn bè hành nghề luật sư cay đắng kể cho tôi biết những luật lệ bất thành văn trong nghề.

Chỉ mới ở thủ tục nộp đơn khởi kiện, nếu không “biết điều” với thư ký tòa án thì luật sư có thể bị hạch sách đủ điều. Trong lớp học về nghiệp vụ thư ký tòa án mà tôi được tham dự, vị thẩm phán đứng lớp bỏ nhỏ với học viên rằng tiền lương của thư ký tòa án lâu nay rất thấp nhưng “Các anh chị thử nhìn nhà xe của cán bộ, công nhân viên trong sân tòa xem, toàn là xe tay ga không đấy!”.

Ví dụ nhỏ nhưng cho thấy vấn đề rất lớn - chúng ta kêu gọi mạnh tay đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng dường như cuộc chiến này vẫn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Hơn ai hết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải liêm khiết, gương mẫu cả trong nếp sống, lề lối công tác để làm tấm gương cho cấp dưới noi theo. Chỉ khi cấp trên dám nói không với tham nhũng, họ mới dám mạnh tay xử lý hành vi tham nhũng của nhân viên cấp dưới.

Luật không nên chỉ quy định chung chung rằng người đứng đầu cơ quan tổ chức phải “chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”. Cần liệt kê cụ thể hành vi tham nhũng ở mức độ nào thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đến đâu. Thậm chí, có thể cách chức người đứng đầu khi cấp dưới của người đó thực hiện hành vi tham nhũng với một tỷ lệ nhất định.

Hoàng Xuân Khang (hxkhang...@yahoo.com)

Đừng để điều không bình thường trở thành bình thường

Những kẻ tham nhũng là những kẻ lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng. Đó là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước và họ lợi dụng chức vụ ấy để làm lợi cho bản thân, cho người quen của mình.

Hậu quả của tham nhũng rõ ràng là rất lớn cho xã hội. Nó không chỉ gây ra thiệt hại về vật chất mà còn làm mất lòng tin của nhân dân. Vì thế, việc phòng, chống tham nhũng đã được nhà nước ta quan tâm đặc biệt. Chúng ta có hẳn Luật Phòng, chống tham nhũng với quy định cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ kê khai tài sản. Nhưng rất tiếc việc kê khai tài sản này chưa có kết quả cao.

Vừa qua, có nhiều quan chức ở một địa phương bị chỉ mặt điểm tên vì không chịu kê khai tài sản. Có nghĩa là việc thực hiện luật này chưa thực sự nghiêm túc. Có lẽ vì vậy mà hiệu quả của việc phòng, chống tham nhũng trong ba năm qua vẫn chỉ “đạt kết quả bước đầu” như bài báo đã nói.

Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về thực trạng và hậu quả của tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Như phải thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân biết hậu quả, tác hại của tham nhũng; phải có cơ chế bảo vệ bí mật và an toàn cho người tố cáo tham nhũng. Đồng thời, phải lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng, không để thói quen đưa hối lộ nhận hối lộ trở thành điều bình thường trong đời sống hằng ngày.

Đỗ Bang (Xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm