Quá nhiều thứ độc, biết ăn gì?

Sức khỏe cộng đồng bị xem nhẹ

lMấy tháng nay, báo chí thường xuyên đưa tin thịt heo “siêu nạc” gây bệnh, cá điêu hồng nhiễm chất cấm, thịt gia súc, gia cầm hôi thối, trái cây tẩm hóa chất... Lúc đầu tôi nghĩ là chuyện cá biệt nhưng nghe riết thì cũng đâm ra lo lắng không biết chọn thực phẩm nào để sử dụng cho an toàn. Mới hôm trước, chú tôi từ Cà Mau lên chơi nên tôi trổ tài nấu toàn món thủy sản để đãi khách. Ai dè chú nhắc nhở: “Nhà mình không nên ăn hải sản nhiều vì toàn hóa chất!”. Chú giải thích: “Hải sản từ biển vào đất liền mất một ngày, chuyển vào Sài Gòn mất gần một tuần. Do vậy, người ta phải cho vào chất bảo quản rồi thêm nhiều hóa chất khác nữa để trông nó còn tươi”.

Lời căn dặn của chú cộng với thông tin trên báo cho biết ở nước mình thủy sản tiêu thụ trong nước không được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt càng làm tôi hoang mang. Tại sao sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì được xem trọng, còn hàng trong nước lại không? Rất mong các nhà quản lý kịp thời có sự điều chỉnh để mỗi thực phẩm đưa vào thị trường đều đảm bảo an toàn.

PHAN THIÊN HƯƠNG
(Quận Bình Tân, TP.HCM)

Có phải người dân đang bị đầu độc hằng ngày trong thực phẩm? Tôi hỏi vậy sau khi đọc nhiều bài báo phản ảnh việc dùng chất cấm trong chế biến lương thực, thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn chặn từ gốc, có xử lý nghiêm để tạo sức răn đe? Hay họ chỉ mới dừng ở việc chặn bắt xe chở thịt bẩn rồi tịch thu, tiêu hủy qua quýt, sai quy trình nghiêm trọng như trong vụ 2,2 tấn chân trâu, chân bò không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối ở Đồng Nai mới đây?

Quá nhiều thứ độc, biết ăn gì? ảnh 1

Người nội trợ sẽ yên tâm hơn khi các cơ quan quản lý kiểm tra chặt chẽ an toàn thực phẩm. Ảnh: HTD

Ở các nước phát triển, bữa ăn và sức khỏe của người dân hầu như được bảo đảm an toàn bằng cơ chế quản lý thực phẩm và dược phẩm chặt chẽ. Bao giờ chính quyền mình làm được điều này để người dân không phải ở trong tình trạng ăn gì cũng sợ?

PHƯƠNG MAI

Chế tài chưa đủ mạnh

Qua báo chí, tôi được biết năm trước tòa án của một tỉnh miền Trung Trung Quốc đã tuyên án 113 người, trong đó có 77 công chức nhà nước, trong một vụ án thịt heo có hóa chất. Kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol dùng cho heo ăn để sản xuất thịt siêu nạc bị kết án tử hình vì gây nguy hại đến sự an toàn của công chúng. Ngoài ra, những công chức liên quan đến vụ việc, gồm các thanh tra sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm cũng nhận hình phạt nghiêm khắc (từ ba đến chín năm tù) vì sự tắc trách và lạm quyền của mình. Trong khi đó ở VN, theo trí nhớ của tôi thì từ trước đến giờ ít có vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”, độc hại bị xử lý thích đáng và càng không có ai liên can bị xử án tử.

Hiện việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng khi ngày càng có nhiều vụ xấu xa liên quan đến hành vi này làm ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài đến sức khỏe con người. Do việc sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn” dễ dẫn đến “một vốn bốn lời” nên nhiều đối tượng dù biết đó là tội ác vẫn cứ lao vào. Vậy nên các cơ quan công an cần nỗ lực điều tra, truy tìm nguồn gốc và sau nữa là phải có mức chế tài đủ để các đối tượng vi phạm không dám và không thể tiếp tục vi phạm.

THIỆN LUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm