Quận nhọc nhằn thương lượng lấy đất xây trường

Cuối tuần qua, UBND quận 12 (TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với 19 hộ dân thuộc tổ 2, khu phố 6, phường Thới An bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Trường THPT Thới An (trên địa bàn phường Thới An) để làm rõ những vấn đề liên quan.

Dân đòi đất đổi đất

Trước đó, một số người dân tổ 2, khu phố 6, phường Thới An đại diện cho 19 hộ dân đang sinh sống ở khu đất trên gửi đơn kiến nghị tới UBND quận 12.

Nội dung đơn thể hiện: “Quận 12 hiện có tới 2-3 trường THPT và nhiều trường THCS. Do vậy, việc xây dựng thêm Trường THPT Thới An có thực sự cần thiết không? Trường THPT Thới An là trường công hay tư?”.

Theo ý kiến người dân ở đây, họ phải giao đất khi quận tiến hành xây dựng trường và được bố trí tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, khu TĐC mà quận dự kiến bố trí cho họ lại quá xuống cấp, không tương xứng với nơi ở hiện tại nên người dân không đồng ý.

Ông Hoàng Minh Chương, một người dân nêu ý kiến: “Việc bố trí TĐC phải theo phương châm bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tôi đề nghị địa phương lưu ý vấn đề này”.

“Chúng tôi cũng không chấp nhận tiền bồi thường và yêu cầu UBND quận 12 thực hiện phương án đất đổi đất trên địa bàn cùng phường” - bản kiến nghị nhấn mạnh.

“Gia đình tôi có 12.000 m2 đất, trước đây từng bị thu hồi đất để làm chợ Thới An, thu hồi thực hiện dự án quy hoạch bây giờ là thu hồi đất để làm trường. Đề nghị chính quyền xem xét, bồi thường cho thỏa đáng” - ông Phan Văn Bương bức xúc.

Khu vực giải tỏa để xây dựng Trường THPT Thới An (quận 12, TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Việc xây trường là rất cấp bách

Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết Trường THPT Thới An là dự án xây dựng trường công lập, diện tích 27.000 m2. Trước đây khu đất này được quy hoạch là công viên cây xanh. Năm 2008, căn cứ quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đô thị quy mô dân số hơn 4.000 người phải bố trí trường THPT. Hiện dân số phường Thới An là 35.000 người nên phải xây trường.

“Việc điều chỉnh quy hoạch từ công viên cây xanh sang xây dựng trường đã được Sở QH-KT TP.HCM thẩm định, thực hiện đúng trình tự thủ tục” - bà Lan nói.

Năm học 2017-2018, toàn quận có hơn 6.200 học sinh (độ tuổi 14) tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, cả quận chỉ có ba trường THPT, khả năng tiếp nhận chỉ được 2.070 học sinh nên số học sinh còn lại phải học ở các trường THPT trên địa bàn quận, huyện khác. “Để đảm bảo nhu cầu học tập cho chính con em nhân dân quận 12, việc đầu tư xây dựng thêm trường THPT là rất cần thiết” - bà Lan chia sẻ.

UBND quận 12 đã xem xét bố trí TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa trắng (đủ điều kiện) vào khu TĐC của Công ty CPĐT Xây dựng và May thêu Tân Tiến. Bà Lan thông tin thêm: “Trường hợp các hộ dân không đồng ý vào khu này thì có thể lựa chọn nền TĐC trong khu dân cư Thới An 1”.

Liên quan đến việc “đất đổi đất”, bà Lan lý giải khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Tại thời điểm thực hiện dự án, quận 12 không có quỹ đất để áp dụng chính sách đất đổi đất nên áp dụng bồi thường bằng tiền theo quy định”.

Trước những giải thích từ chính quyền địa phương, người dân vẫn không đồng tình và đề nghị ngưng thực hiện dự án xây trường. Theo bà Lan, các phòng, ban của quận sẽ gặp và giải thích rõ ràng từng thắc mắc cụ thể của người dân để đôi bên cùng thống nhất vì lợi ích chung.

21 năm không xây được trường chỉ vì một hộ dân

Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) phải chờ đến 21 năm mới xây được trường mới. 20 năm trước, quận đã có mặt bằng xây trường nhưng do thay đổi lãnh đạo liên tục, cộng thêm việc giải tỏa mặt bằng bị vướng mắc chỉ vì một hộ dân không đồng ý di dời mà toàn bộ dự án bị “treo” lại.

Đến năm 2016 quận mới có thể cho khởi công và tháng 9-2017, thầy trò nhà trường mới được dạy và học trong ngôi trường mới có quy mô một trệt, bốn lầu gồm 20 phòng học và các phòng chức năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm