Ra đường sợ kẻ ‘ngáo đá’

“Phải mạnh tay với kẻ “ngáo đá” hơn nữa, ngày càng nhiều thông tin về những trường hợp phê thuốc quậy phá trên đường, sợ quá!”. Những ngày gần đây xảy ra nhiều vụ thanh niên “ngáo đá” có những hành động rất nguy hiểm như tấn công lực lượng công an, dọa đốt nhà, nhảy cầu, nhảy lầu tự tử. Nhiều bạn đọc đã bộc lộ nỗi sợ khi chính họ gặp phải các đối tượng này.

Cả xóm mất ngủ

Từ lúc gia đình tôi chuyển về phường Thạnh Xuân, quận 12 sinh sống cho đến nay, nơi đây chưa từng xảy ra vụ trộm cắp nào. Tình trạng an ninh ở đây vốn rất bình yên nhưng cách đây khoảng một tháng, bỗng xuất hiện một “tên trộm” đặc biệt khiến cả xóm hoảng loạn. Hôm đó vào khoảng 23 giờ, gia đình tôi chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng động trên mái nhà. Ra ngoài nhìn lên, tôi thấy một thanh niên đứng trên đó đang loay hoay. Đoán là bị trộm đột nhập, tôi la to cho mọi người trong xóm nghe để cùng bắt “trộm”. Nghe tiếng la, mọi người đến rất đông nhưng “tên trộm” thì cứ bình thản bước trên nóc nhà. Anh ta múa võ, mọi người đứng dưới đất thót tim sợ anh ta ngã xuống thì sẽ bị vạ lây. Chưa hết, đi đến mé sân thượng nhà kế bên, người này còn dùng chân hất các chậu cây xuống đất, rất may mà mọi người ở dưới né kịp. Cả xóm phải mất cả tiếng đồng hồ mới bắt được thanh niên này. Khi nhìn rõ mặt, ai cũng bất ngờ, hóa ra đó là con trai của người cùng xóm, trước đó chơi ma túy bị ảo giác.

NGUYỄN HỮU LÝ (Phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM)

Mất cả giờ chờ… hết phê thuốc

Công việc của tôi làm ca đêm nên thường xuyên về rất khuya. Hôm đó khoảng 0 giờ, tôi đang chạy vào hẻm thì thấy một thanh niên nằm bất động giữa đường. Tưởng anh ta bị say rượu nên tôi xuống xe đỡ lên. Lúc tôi đến gần, anh này đẩy tôi ra và nói giọng tỉnh bơ: “Anh thông cảm, tôi đang phê thuốc, đi hết nổi rồi, chờ một chút”, rồi anh ta tiếp tục nằm ềnh giữa ngõ. Tôi sợ quá định bỏ đi nhưng khổ nỗi đây là con đường duy nhất về nhà tôi. Tôi phải chờ đến gần 1 giờ sáng thì anh ta mới ngồi dậy lết vào trong cho tôi chạy xe qua. Giờ mỗi khuya đi làm về, qua ngõ này là tôi lại ớn.

TRẦN THANH HƯNG (Huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Một thanh niên “ngáo đá” cố thủ trên nóc nhà và vứt gạch xuống đường làm náo loạn khu dân cư. Ảnh: Hiển Cư

Nguy hiểm khi bị ảo giác

Hôm đó tôi và nhóm bạn tụ tập nhau mừng thằng bạn ở nước ngoài về thăm. Trong nhóm có một người được mệnh danh là “dân chơi thứ thiệt”, vũ trường, thuốc lắc, trò nào cũng tham gia. Lúc ngồi nhậu, anh ta đưa cho mọi người một điếu thuốc và bảo “dùng thử rất sướng nhưng không phải ma túy”. Ai cũng lắc đầu, trừ một thành viên hút thử. Hút xong, bạn tôi bị ói, người lờ đờ, có biểu hiện rất lạ. Thấy vậy, tôi chở bạn về nhà, trên đường về gặp CSGT, tự nhiên bạn tôi nhảy xuống hét to: “Đừng bắt tôi, chạy đi, chạy đi”. Tôi phải vất vả lắm mới đưa được bạn về tới nhà. Bước vô, bạn ấy nhìn mọi người và hỏi: “Sao ai cũng lùn hết vậy?”. Ngủ một giấc đến sáng thì bạn tôi tỉnh dậy bình thường. Chỉ sử dụng thứ này một lần mà còn bị ảo giác như thế, những người bị nghiện còn đáng sợ thế nào!

Nguyễn Anh T. (Quận 3, TP.HCM)

Thượng tá PHẠM XUÂN THAO, Phó Trưởng Công an quận 4, TP.HCM:

Giằng co với người “ngáo đá” là tự hại mình

Dùng ma túy đá khiến người sử dụng bị ảo tưởng, hoang tưởng, mất kiểm soát bản thân tạm thời. Có người dùng hung khí dí hết người này đến người kia, có người cố thủ trong nhà… thậm chí ra tay cả với những người trong gia đình. Thời gian “ngáo đá” không thể xác định cụ thể mà tùy cơ địa từng người và liều lượng họ sử dụng. Có người mất 2-3 tiếng để trở lại trạng thái bình thường, có người mất 4-5 tiếng hoặc nhiều hơn…

Bởi vậy khi gặp người nghi có biểu hiện “ngáo đá”, dù đó là người thân của mình, việc đầu tiên mỗi người cần làm là né tránh, tìm chỗ ẩn mình an toàn và gọi thông báo cho cơ quan công an gần nhất hỗ trợ, đồng thời gọi 113.

Lưu ý, giằng co, phê phán hay tranh cãi đúng-sai… với người “ngáo đá” là việc tuyệt đối không nên làm. Bởi lúc đó họ đã mất kiểm soát, mất nhận thức nên có thể hành động điên cuồng: đuổi đánh, giết người…

Trường hợp bị người “ngáo đá” dùng vũ khí uy hiếp hoặc bị người này bắt, đầu tiên cần phải bình tĩnh. Tính mạng là quan trọng nhất, có thể nương theo cơn hoang tưởng của người “ngáo đá” mà năn nỉ, trò chuyện để kéo thời gian cho lực lượng công an ứng cứu.

NGUYỄN TRÀ ghi

Chém người, đốt nhà

• Vào 23 giờ 30 ngày 3-9, tổ công tác Công an phường 5, TP Vũng Tàu do Trung úy Hồ Văn Cường đi tuần tra phát hiện Trần Anh Tuấn (trú phường 5, TP Vũng Tàu) đang cầm một cây mã tấu, có biểu hiện "ngáo đá". Trung úy Cường và bảo vệ dân phố đi theo thuyết phục giao nộp hung khí thì Tuấn bất ngờ quay lại dùng mã tấu chém liên tiếp vào người anh Cường.

• Sáng 26-8, tại khu vực đường Trường Chinh (Hà Nội), một cô gái có biểu hiện "ngáo đá", liên tục lao ra đường chặn ô tô.

• Chiều 18-8, một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở đường Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM) nghi bị "ngáo đá". Khi công an đến can thiệp, người này dùng dao chém hai chiến sĩ công an. Sau đó, người này đốt nhà và cố thủ bên trong.

• Chiều 3-8, tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM xuất hiện một nam thanh niên "ngáo đá" không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách. Tổ CSGT tuần tra (PC67) đã ra hiệu dừng phương tiện, người này bèn rút quẹt lửa dọa đốt xe rồi xông vào một cửa hàng trái cây, chộp lấy cây kéo nhọn, nhào ra uy hiếp công an.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…