Rắc rối khi bị ghi sai tên

Nhiều bạn đọc phản ánh tên của họ trong một số giấy tờ bị sai chữ đệm nhưng họ chưa rõ cách điều chỉnh.

“Sai một ly đi một dặm”

Anh Đặng Sỹ Thi (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phản ánh chữ đệm của anh trong khai sinh, hộ khẩu là Sỹ nhưng trong các giấy tờ như CMND, văn bằng, giấy phép lái xe… lại ghi là Sĩ.

Anh Thi kể: “Hồi tôi học lớp 7, có đoàn cán bộ về tận trường để cấp CMND miễn phí nên tôi đăng ký làm. Chữ đệm trong giấy khai sinh và hộ khẩu đều ghi Sỹ nhưng bị ghi nhầm trong giấy CMND thành Sĩ (từ y thành i). Lúc đó còn nhỏ tôi cũng không để ý chuyện này và cứ thế sử dụng CMND ghi sai chữ đệm. Sau này tất cả giấy tờ khác như văn bằng, chứng chỉ, tài khoản ngân hàng, giấy phép lái xe… đều lấy theo tên trong CMND là Đặng Sĩ Thi. Tôi sợ nếu lỡ đánh mất CMND hoặc các giấy tờ khác thì tôi rất khó chứng minh về việc mất này để được cấp lại”.

Nếu như anh Thi “lo xa” thì ông Trần Hoàng Minh (62 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) buộc phải đi điều chỉnh chữ đệm trong hộ khẩu, CMND của ông cho khớp với giấy khai sinh mới làm được văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Rắc rối khi bị ghi sai tên ảnh 1

Giải quyết hồ sơ hộ tịch ở Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP

Thì ra chữ đệm trong giấy khai sinh của ông là Hoàng nhưng chữ đệm trong hộ khẩu, CMND lại ghi là Hoàn. Theo ông hiểu, Hoàng trong giấy khai sinh của ông là “huy hoàng” nhưng Hoàn trong các giấy tờ khác là “hoàn trả”. Khi ông đi làm thủ tục khai nhận di sản của người cha, cán bộ yêu cầu ông phải chứng minh hai tên này là một người. Ông lọ dọ lên UBND xã thì được cán bộ hộ tịch chỉ dẫn “cần cầm giấy khai sinh để đi điều chỉnh lại hộ khẩu, CMND vì các loại giấy tờ này phải lấy giấy khai sinh làm gốc”. Chưa kịp làm thì ông bị tai biến nằm một chỗ nên việc khai nhận di sản bị ách lại.

Trường hợp anh Nguyễn Hùng Cường (Hậu Giang) thì khổ sở hơn vì đã bỏ lỡ kỳ thi ĐH do giấy tờ bị sai chữ đệm. Anh này được bố mẹ đặt tên khai sinh là Lê Hùng Cường nhưng không hiểu sao tên trong hộ khẩu, giấy CMND thì lại là Lê Hưng Cường. Từ lâu ba anh đã phát hiện việc này nhưng ông lại nghĩ không sao vì chỉ sai chữ đệm còn tên vẫn đúng. Bản thân anh Cường thấy chữ đệm này cũng được nên mặc kệ. Mọi việc rối tung cả lên khi nhà trường kiểm tra học bạ, giấy tờ để chuẩn bị cho học sinh dự thi ĐH. Học bạ cấp I, II của anh ghi đúng theo khai sinh là Lê Hùng Cường nhưng học bạ cấp III, văn bằng tốt nghiệp cấp III thì ghi theo hộ khẩu, CMND là Lê Hưng Cường. Anh đã phải ngậm ngùi chạy tới lui để điều chỉnh chữ đệm trong tất cả giấy tờ khác cho khớp với giấy khai sinh. Làm xong thì anh không kịp nộp hồ sơ thi ĐH năm đó và bây giờ anh đang học hệ vừa làm vừa học. Nhớ lại chuyện cũ, anh Cường tiếc nuối: “Biết vậy tui sửa ngay lúc đầu thì tiện biết mấy. Rút kinh nghiệm mai mốt tới con tui thì tui phải làm cho khớp”.

Chị Phụng ở Bến Tre thì may mắn hơn anh Cường vì chị đã kịp thời điều chỉnh học bạ, văn bằng để thi ĐH. Sự thể là học bạ cấp I là Nguyễn Thị Kim Phụng (đúng như tên trong giấy khai sinh) nhưng học bạ cấp II, III không hiểu sao bị mất chữ Kim chỉ còn là Nguyễn Thị Phụng. Đến lúc rà hồ sơ đi thi ĐH thì chị mới phát hiện việc này và lập tức “chạy nước rút” chỉnh sửa.

Tự “chuốc họa” do muốn đẹp

Nếu các trường hợp trên bị “khốn đốn” do bị người khác ghi sai chữ đệm thì chị Lê Thị Tiền (xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại tự “chuốc họa” cho chính mình.

Số là chị được cha mẹ đặt cho cái tên cúng cơm là Lê Thị Tiền và chị sử dụng tên này cho đến năm 19 tuổi thì các giấy tờ không may rớt xuống sông. Sau đó, cả nhà đi làm lại hộ khẩu và CMND. Thấy tên mình hơi đơn điệu nên chị tự thêm vô tờ khai hộ khẩu là Lê Thị Bích Tiền và được cấp hộ khẩu mới ghi đúng tên này. Từ đó, chị đi làm CMND mới tên Bích Tiền. Chị cũng quên luôn việc này cho đến giữa năm 2012 khi chuẩn bị xuất cảnh thì hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp của chị bị trả lại. Chị phải mất công đi giải quyết hậu quả đã hơn nửa năm mà vẫn chưa xong.

Suýt nữa không được ngân hàng chi tiền

Anh Trần Lý Sĩ Minh (Khánh Hòa) cũng từng gặp rắc rối với việc chữ đệm bị ghi sai. Trên khai sinh, CMND, hộ khẩu… của anh đều ghi tên anh là Sĩ Minh. Thế nhưng khi gửi tiền về nước cho anh, người thân của anh ở nước ngoài lại ghi tên anh là Sỹ Minh. Thấy không trùng khớp, ngân hàng không đồng ý chi tiền. Sau khi xem xét tới lui, ngân hàng mới chịu giải quyết kèm theo điều kiện anh phải viết cam kết “hai tên là của một người”.

Trước đó, anh Minh đã tưởng không nhập được hộ khẩu vào TP.HCM do giấy chứng nhận kết hôn của anh tự thay đổi chữ đệm của anh từ Sĩ thành Sỹ. Theo yêu cầu của cơ quan công an, anh đã phải về quê xin tư pháp thị trấn xác nhận “hai người là một” để hoàn tất hồ sơ nhập hộ khẩu. Anh cho biết tới đây sẽ thu xếp thời gian đi điều chỉnh chữ đệm trên giấy chứng nhận này để tránh rắc rối về sau.

Giấy khai sinh là căn cứ gốc

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch), giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh... phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Như vậy, giấy khai sinh là căn cứ gốc buộc các giấy tờ khác như hộ khẩu, CMND, học bạ, văn bằng... phải giống theo. Như ở trường hợp của anh Thi, anh không thể điều chỉnh chữ đệm trong giấy khai sinh theo các loại giấy tờ trên mà phải làm ngược lại. Tức là anh phải điều chỉnh chữ Sĩ trong tất cả các loại giấy tờ theo chữ Sỹ của giấy khai sinh.

Để tránh rắc rối về sau, mọi người phải làm đúng theo các dữ liệu, số liệu ghi trong giấy khai sinh như họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh… Nếu phát hiện các giấy tờ trên có sai sót bất kỳ dữ liệu nào so với giấy khai sinh thì phải kịp thời điều chỉnh ngay.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, 
Sở Tư pháp TP.HCM

NGUYỄN QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm