Sạch túi vì con đập phi lý

Hơn một tháng qua, gần chục tiểu thương ở U Minh Hạ, Cà Mau kêu trời vì một con đập hết sức phi lý, gần như chỉ có tác dụng “ngăn sông cấm chợ”.

Con đập hành dân

Chúng tôi có mặt tại con đập 86 giáp với kinh 29, thuộc ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Cà Mau). Tại đây, hơn một tháng qua dân kêu trời không thấu khi phải vác từng cây tràm qua đập, mà cái đập thì vô cùng phi lý. Nước phía trong và phía ngoài con đập gần như bằng nhau và hai dòng đều là nước ngọt. Người dân nói họ đã kêu la rất nhiều mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cứ như không hay biết.

Ông Phạm Thái Hồng, một tiểu thương đang mua cây tràm của nông dân nơi đây, bức xúc: “Toàn cánh rừng U Minh Hạ đã có đê bao vững chắc giữ nước rồi. Trong từng khuôn hộ rừng của dân cũng có đê bao hết. Cái đập 86 nằm giữa ruột rừng, chẳng có một tác dụng gì để giữ nước, giữ rừng hết, chỉ có tác dụng hành dân”. Ông Nguyễn Hoài Tâm, một người dân đang xuống búa khai thác rừng của mình phía trong đập, cho biết đã cùng làm đơn tập thể kiến nghị cấp trên tháo mở con đập. Theo bà con, năm 2013 và 2014, con đập 86 vẫn đắp như hiện nay. Các tiểu thương có mua cây tràm ở phía trong con đập phải bỏ tiền ra trên trăm triệu đồng, đưa cho các “cò mồi” thì sau đó con đập được mở ra. Năm nay, những người mua rừng và có khai thác rừng phía trong con đập thấy vô lý, không muốn xuất số tiền ấy nữa mà kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét mở bỏ con đập không có tác dụng gì ngoài việc làm khó người dân này.

Mực nước bên trong và bên ngoài đập ngang nhau nhưng dân vẫn phải vác từng cây tràm qua đập. Ảnh: TRẦN VŨ

Xem xét mở đập để dân khỏi thiệt hại

Ông Nguyễn Văn Bé, một tiểu thương đang mua tràm của dân phía trong con đập, cho biết vì con đập mà ông sẽ phải mất trên 600 triệu đồng. Ông nói: “Cánh rừng tôi đang mua có khoảng 300.000 cây cừ. Tôi thuê người ta vác cây qua cái đập 86 với giá 2.000 đồng/cây. Đó là chưa kể tiền thuê người ta giữ cây vì bị ùn ứ tại cái đập. Tính ra nếu cái đập này không gỡ bỏ thì tôi sẽ mất không dưới 600 triệu đồng”. Nhiều người khác cũng cho biết họ phải mất hàng trăm triệu đồng để thuê người vác tràm vì sự phi lý của con đập này.

Theo tính toán của các tiểu thương đang mua tràm khu vực này, nếu con đập 86 vẫn không được mở ra thì họ sẽ mất tổng cộng trên 4 tỉ đồng tiền thuê người vác cây qua con đập. Đó là chưa kể số chi phí vác cây qua đê bao của khu rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, nói: “Tôi khẳng định không có chuyện làm khó để dân đưa tiền mới mở đập. Hai năm trước chúng tôi đắp khoảng một tháng rồi mở ra là vì dân có yêu cầu và xét thấy hợp lý. Còn năm nay cũng vậy, chúng tôi đắp là do yêu cầu giữ nước để PCCC rừng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khảo sát lại, nếu mực nước bên trong và bên ngoài bằng nhau thì chúng tôi sẽ cho mở đập để bà con vận chuyển cây rừng thuận tiện hơn”.

“Đập đắp trưởng ấp giàu to”

Cái đập 86 nằm ngay cạnh nhà ông Phan Văn Quang, Trưởng ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Từ khi con đập bị đắp lại, ông Quang được các tiểu thương thuê đất để làm bãi chuyển cây ra kênh ngoài. Hằng ngày với cả trăm công nhân bốc vác, người nhà ông Quang mặc sức mua bán thức ăn, nước uống. Vì vậy, dân nói đùa: “Đập đắp, trưởng ấp giàu to”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…