Siết chuyển viện là vi phạm y đức!

Là thầy thuốc có 20 năm công tác ở bệnh viện (BV) thuộc hàng “tuyến giữa” (tuyến tỉnh), ít nhiều có kinh nghiệm cọ xát thực tế, tôi và nhiều đồng nghiệp thật sự giật mình trước chủ trương “siết chuyển tuyến trên” của bộ trưởng Bộ Y tế. Có lẽ không cần là người trong ngành, cũng không cần phải là nhà quản lý chiến lược, người ta vẫn có thể hiểu được việc BV tuyến trên bị ùn ứ, quá tải là do sự yếu kém về năng lực điều trị, cơ sở vật chất kỹ thuật của BV tuyến dưới. Muốn giải quyết vấn đề căn cơ thì phải khắc phục sự yếu kém này, những giải pháp khác chỉ là vá víu tạm thời, đôi lúc còn gây ra tác dụng phụ có hại cộng đồng.

Bệnh nhân mất quyền chọn lựa

Trước hết việc siết chuyển viện đã tước đi quyền lựa chọn cơ sở điều trị của người bệnh. Hiệu quả của chủ trương này trong nhất thời dễ tạo ra được kết quả mong muốn của nhà quản lý là lượng người bệnh ở tuyến trên sẽ giảm, bộ mặt các BV tuyến trên sẽ thông thoáng hơn. Nhưng hiệu quả điều trị thì sao? Có cơ sở nào đánh giá nó sẽ tốt hơn?

Nói một cách hình tượng, quy định siết BV tuyến trên giống như ca phẫu thuật khiên cưỡng, vội vàng cắt đi một khối u trên cơ thể cho nó sạch đẹp mà bất chấp nó là u lành hay ác, có di căn hay không.

Hoạt động y tế không phải là hoạt động trình diễn thiên về thẩm mỹ mà mục tiêu của nó là sức khỏe, sinh mạng con người. Người dân các tỉnh xa gom góp tiền bạc chen chúc, đổ dồn về các BV tuyến trên ở Hà Nội, TP.HCM chấp nhận sống vật vã là để được điều trị tốt hơn, được lành bệnh, sống khỏe mạnh. Nếu người giàu đã có hệ thống BV tư nhân sẵn sàng phục vụ thì việc siết BV công sẽ là đòn chí tử đánh vào người nghèo.

Siết chuyển viện là vi phạm y đức! ảnh 1

Nhiều bệnh nhân chấp nhận sống vật vạ tại bệnh viện tuyến trên để được điều trị tốt hơn. (Ảnh chụp tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM) Ảnh: HTD

Thách thức lương tâm thầy thuốc

Lời thề Hippocrates có ghi nhận “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”, 12 điều y đức của Việt Nam cũng quy định thầy thuốc phải “Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân”. Trên tinh thần đó, người thầy thuốc không được quyền từ chối, lựa chọn người bệnh. Thế nên quy định siết BV tuyến trên đã đặt ra thách thức với người thầy thuốc.

Bác sĩ BV tuyến dưới buộc lòng phải từ chối các yêu cầu chuyển viện của bệnh nhân và gia đình vì sợ bị chế tài do cho người “bệnh nhẹ” chuyển viện. Các bác sĩ BV tuyến trên cũng buộc lòng phải từ chối khám, chữa cho những người “bệnh nhẹ”. Song nếu không có quá trình khám, điều trị lâm sàng khả dĩ làm sao phân loại bệnh nặng, bệnh nhẹ? Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ làm phát sinh mối mâu thuẫn trầm kha giữa bác sĩ và người bệnh. Di chứng của cơ chế xin-cho đã bắt rễ sâu xa trong mọi mối quan hệ của xã hội lại có dịp hồi sinh hoành hành. Lương tâm của bác sĩ vốn đang bị nhiều áp lực trước đồng lương, chế độ đối xử không tương xứng, áp lực công việc quá tải, giờ phải đối diện thêm áp lực mới: Kỷ luật viên chức theo quy định “siết”.

Một thực tế khác là cả bác sĩ lẫn người bệnh đều không có quyền chọn bệnh. Việc chẩn đoán, điều trị phải là một quá trình liên tục và căn bệnh cũng không phải ổn định, thụ động xếp hàng theo sự phân loại hành chính mức độ nặng nhẹ mà Bộ sắp xếp. Sự dự báo, tiên lượng chính xác với diễn biến của căn bệnh hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức và cả sự nhạy cảm của bác sĩ. Trong cuộc chiến giữa bác sĩ và thần chết thì thời gian là đồng minh hết sức lợi hại cho cả bên này lẫn bên kia. Có những trường hợp bệnh nhân bình thường đột nhiên trở nặng bác sĩ đã tiên lượng trước nhưng vì ngại vướng quy định siết chuyển viện, phải chờ khi bột phát mới cho chuyển thì thành ra quá trễ. Trong ngành y người ta thường nói đến “thời gian vàng” cho các trường hợp này. Phải là bệnh nặng mới cho chuyển lên tuyến trên sẽ tước bỏ mọi thời cơ vàng cho người bệnh, việc sống chết chỉ còn tùy thuộc vào cơ may, phúc đức.

Sướng… buồn!

Thoạt nhìn, cứ tưởng như quy định siết chuyển viện chừng như sẽ có lợi cho bác sĩ tuyến trên. Lượng người bệnh giảm, họ sẽ giảm bớt áp lực, cường độ công việc, sẽ “sướng” hơn trước đây. Nhưng nếu nghĩ theo suy nghĩ của một thầy thuốc có lương tâm thì đó sẽ là cái sướng buồn. Công việc ít hơn nhưng họ phải nhận những bệnh nhân được chuyển đến muộn hoặc quá muộn. Họ sẽ phải thường xuyên tiếc nuối, giận mình, giận cơ chế vì lẽ ra… họ có thể cứu sống, chữa lành được nhiều bệnh nhân hơn. Bởi suy cho cùng với thiên chức, trách nhiệm được giao phó, người làm nghề y đâu phải là người sinh ra để sống “sướng” mà để cứu người.

Nếu những người quản lý có trách nhiệm thật sự, quan tâm đến họ thật sự thì nên mở cơ chế đầu tư tốt hơn cho tuyến dưới để các y bác sĩ tuyến dưới tự tin, tự giác quyết định việc cho chuyển hay không cho chuyển bệnh nhân theo lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.

Bộ Y tế cứ ra công văn cấm đi rồi sẽ biết hậu quả như thế nào. Bệnh nhân đến là thầy thuốc phải tiếp nhận và chữa bệnh, làm sao đuổi họ đi được. Lỡ khi đó họ nhẹ nhưng vài tiếng sau trở nặng thì thế nào? Chẳng may họ tử vong hoặc tai biến trên đường về nhà, ai chịu trách nhiệm?

Ngay cả với bệnh nhân “nhẹ” thật sự, câu chuyện cũng không đơn giản. Thực tế cho thấy là ở những BV tuyến dưới hiện nay khi bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện, dù là bệnh nhẹ nhưng bác sĩ cũng khó lòng từ chối vì sợ lỡ chẳng may bệnh nhân có bề gì thì người nhà sẽ đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu bác sĩ.

Phó giám đốc một BV tuyến trên (theo Nhà Báo Và Công Luận)

BS TẤN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm