Sử dụng ngôn từ cần tinh hơn

Ai nấy đều nghĩ và đều mong muốn báo chí là mẫu mực của việc sử dụng ngôn ngữ. Thế nhưng dạo này báo, đài hay lặp đi lặp lại các từ sai. Đề cập đến người lái xe ở thể chủ động, thay vì dùng tài xế (danh từ) thì họ cứ ra rả các “lái xe” (động từ)… Trong bài viết này, tôi xin phép chỉ ra những cái sai phổ biến.

“Chúng” khác “chung”

Lâu lâu mọi người nhận được thông tin báo động: “Chung cư này xuống cấp, chung cư kia sắp sập…”. Lúc đầu tôi nghĩ nếu đó là nơi “chung ở” của một hộ nào đó thì chủ nhân tự lo tu sửa, báo, đài đâu đủ hơi sức mà quan tâm tràn lan đến vậy. Chừng coi kỹ mới vỡ lẽ, cái mà báo, đài nêu lên là những khu nhà có nhiều tầng và có nhiều hộ lẻ cùng ở trong đó.

Theo tôi, khu nhà phải được gọi là “chúng cư” thay cho từ “chung cư” quen dùng.

“Chúng” có nghĩa là đông người, nhiều người, nhiều đơn vị cư trú riêng lẻ cùng sống dưới một tổng thể chung (Hán Việt từ điển, Nhà xuất bản Khai Trí, trang 190).

Trường hợp muốn gợi ý “chung” của tiếng Việt thì từ Hán Việt là “cộng” như cộng lạc, hay “đồng” như đồng bào.

Như vậy, không nên ghép từ Việt “chung” + từ Hán Việt “cư” để có từ đôi “chung cư”. Thay vào đó, phải dùng từ Hán Việt “chúng” + “cư” thành “chúng cư”. Còn nếu vẫn giữ “chung” từ Việt thì từ Hán Việt “cư” phải chuyển ra từ Việt “ở” để có “chung ở”.

Sử dụng ngôn từ cần tinh hơn ảnh 1

“Chung” khác “chia”

Đối với từ “chung”, tiếng Hán Việt là cộng, góp vào, thêm vào, tăng thêm.

Cho nên đến các cuộc vui chơi như sinh nhật, hôn lễ… nên nói “chung vui” với chủ nhân, đừng nói “chia vui”. Vì nếu mọi khách cùng chia, e rằng khối vui nát hết!

Đối với từ “chia”, tiếng Hán Việt là phân, tức tách, phân ra, làm cho nhẹ bớt, nhỏ lại.

Đến dự đám tang hay thăm gia chủ có nhiều nỗi ưu phiền thì nên nói “chia buồn” để mình góp phần gánh bớt nỗi đau buồn của chủ nhân.

“Phúng” khác “điếu”

Trong những đám tang mà tôi đã đến dự, khi tang chủ không muốn nhận tiền đi cúng thì đều ghi là “miễn điếu” hoặc “miễn phúng điếu”.

Theo tôi, cách ghi này không chính xác. Vì:

“Phúng” tức là đưa đồ lễ hay tiền đến giúp đám tang (trang 455 Hán Việt từ điển, Nhà xuất bản TP.HCM).

“Điếu” tức là đến viếng và chia buồn nhà có đám tang (trang 352 sách đã dẫn nêu trên) hay có bất cứ chuyện buồn nào khác. Chẳng hạn như trong câu chuyện “Tái Ông thất mã”, hàng xóm đến điếu lần đầu mất ngựa, lần kế té ngựa, gãy chân…

Như vậy, “miễn phúng điếu” là không nhận tiền, đồ lễ và cả… người đến chia buồn. Còn “miễn điếu” hóa ra là không nhận người đến chia buồn!

Thế thì nên chăng ghi là “miễn phúng” nếu không muốn nhận tiền hay lễ vật. Và đừng bao giờ ghi là “miễn điếu” vì dù người nào đó là người đáng ghét nhất hay là kẻ thù đi nữa mà nay họ lại đến chia buồn là quý lắm rồi, không nên chối từ!

“Tang” khác “ma”

Lễ táng người chết nên gọi là đám tang, thay vì thường gọi là đám ma. Từ “ma” e không thay cho từ “tang” được. Nếu thay được sao không gọi tang gia là ma gia, tang chủ là ma chủ, tang phục là ma phục…? Hơn nữa, âm “ma” không gợi lên ý nghĩa táng người chết mà mang bóng dáng huyền hoặc, hư ảo nào đó.

“Tri nhi bất vi bất như vật tri” (Khổng Tử). Nghĩ rằng biết mà không làm, không thể hiện ra để giúp nhau thì thà rằng đừng biết. Vậy nên tôi có vài lời góp ý nhằm mục đích làm ngôn từ được sử dụng tinh hơn.

TỨC THÁM (Một thầy giáo về hưu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm