Tài xế taxi không trả tài sản của khách để quên là phạm pháp

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45), Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 18 vụ việc khách hàng để quên tài sản khi đi taxi với số tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số vụ việc được điều tra, làm rõ mới chỉ dừng ở con số 3.

Nhặt được "của rơi" không trả "người mất" là vi phạm pháp luật

Khoảng 18h ngày 2/5, chị Văn Thị Thanh Loan trú tại ngõ 8/3 phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ vẫy 1 xe taxi của hãng Hanoi taxi do anh Ngô Thanh Tùng điều khiển từ công viên nước Hồ Tây về nhà. Khi xuống xe, chị Loan bỗng phát hiện đã để quên một máy ảnh trị giá khoảng 4 triệu đồng trên xe. Tuy nhiên, lái xe Tùng đưa xe về ga ra của hãng mà không phát hiện có đồ để quên trên ghế xe. Sáng hôm sau, lái xe Nguyễn Văn Tượi, 38 tuổi trú tại dốc Thọ Lão, phường Đông Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đến nhận xe sau ca của lái xe Tùng thì phát hiện chiếc máy ảnh của chị Loan liền nảy sinh lòng tham và mang về cất giấu. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, ngày 24/5, cơ quan Công an đã làm rõ vụ việc, Tượi phải giao nộp chiếc máy ảnh trên.

Trước đó, ngày 25/1, cơ quan Công an cũng đã làm rõ vụ việc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Tuấn Linh, 23 tuổi, trú tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, lái xe hãng taxi Hà Nội CP về hành vi chiếm đoạt tài sản của anh Soren Riber Carlsen, 37 tuổi, trú tại ngõ 12 Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội.

Trước đó, anh Soren Riber Carlsen có vẫy xe taxi của hãng Hà Nội CP, BKS 30P-9628 do Linh điều khiển đi từ phố Cao Bá Quát đến phố Đường Thành và để quên một chiếc máy ảnh trị giá 27 triệu đồng, 1 điện thoại di động trị giá 450 nghìn đồng. Sau khi phát hiện đồ của khách bỏ quên, Linh đã mang toàn bộ số tài sản trên về nhà cất giấu hòng chiếm đoạt nhưng không qua mặt được cơ quan điều tra.

Không thể phủ nhận, trong những vụ việc liên quan đến để quên tài sản trên xe taxi, lỗi đầu tiên thuộc về khách hàng. Nhiều khách đi taxi vẫy dọc đường nên không nhớ rõ hãng, số hiệu taxi, loại xe… Cùng với đó, do nhận thức về pháp luật của đại đa số lái xe taxi còn hạn chế, khi phát hiện đồ khách để quên trên xe, tâm lý phần lớn người lái xe đều nghĩ là đồ do mình nhặt được thì mình có quyền sử dụng. Họ thường nhanh chóng mang số tài sản đó đi tiêu thụ để xoá "dấu vết". Đây cũng chính là những khó khăn cho quá trình điều tra của lực lượng Công an.

Khách hàng cần cẩn trọng

Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng 109 hãng xe taxi với khoảng hơn 12.000 xe. Bên cạnh những hãng taxi làm tốt công tác quản lý, tuyển chọn lái xe có lý lịch rõ ràng, các lái xe có tư cách đạo đức tốt, không ít lái xe taxi khi nhặt được đồ của khách bỏ quên đã "ỉm" luôn và tự coi đó là tài sản của mình.

Có những lái xe lại "ngang nhiên" đòi tiền chuộc như trường hợp xảy ra với ông Nguyễn Minh H., ở Hà Đông, Hà Nội. Ngày 5/8, trong một lần vẫy taxi từ nơi làm việc về khách sạn, ông H. đã để quên một số giấy tờ quan trọng cùng hai chiếc điện thoại di động trên taxi. Ngay buổi chiều hôm đó, có một số điện thoại sim khuyến mãi điện thoại cho ông H. yêu cầu ông chuộc lại với số tiền… 20 triệu đồng. Cực chẳng đã, ông H. đã phải làm đơn trình báo cơ quan Công an.

Theo một lãnh đạo Phòng PC 45, Công an TP Hà Nội, để góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giúp người dân khi đi taxi hạn chế việc để quên tài sản trên xe, khách hàng đi xe taxi cần lưu ý: Nên gọi về tổng đài các hãng taxi để trung tâm điều hành của các hãng điều xe taxi đến đón khi đó trung tâm sẽ ghi nhận cuộc gọi của khách hàng và có thể cung cấp khi có yêu cầu. Nếu khách hàng vẫy xe taxi trên đường, phải chú ý quan sát và ghi nhớ những đặc điểm hãng taxi, số điện thoại, loại xe, màu sơn, biển kiểm soát, đặc điểm nhận dạng của người lái xe… để cung cấp, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy xét khi xảy ra vụ việc quên tài sản. Khi để quên tài sản trên xe, cần báo ngay cho trung tâm điều hành hãng taxi để phối hợp với lực lượng thanh tra hãng đó truy tìm. Nếu không có kết quả thì báo cho lực lượng Công an gần nhất nơi xảy ra vụ việc.

Đối với các công ty kinh doanh taxi, cần làm tốt công tác sàng lọc, tuyển chọn các lái xe có lai lịch rõ ràng, tư cách đạo đức tốt, phổ biến kiến thức pháp luật. Cần khẳng định: Việc chiếm giữ trái phép tài sản là một hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự (Điều 141); dán đề can về nhãn hiệu taxi, số thứ tự xe rõ ràng ở những vị trí dễ quan sát, trang bị hệ thống đồng hồ tính cước tự động, lưu giữ được thời gian, độ dài quãng đường khách đã đi, số tiền cước… để phục vụ công tác quản lý, điều tra. Đặc biệt, có thể trang bị thêm phần mềm loa nhắc nhở khách hàng bằng tiếng Việt và tiếng Anh để khi khách xuống xe có thể chủ động kiểm tra hành lý, tránh để quên tài sản.
 

 
Theo Bình Phương (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm