Bà nội trợ mệt mỏi khi ôsin nghỉ Tết

Chị Hương ở chung cư, nhà chật và cũng không thích sống cùng người lạ nên chỉ thuê một bác 50 tuổi quê ở Hà Nam làm việc theo giờ hành chính, chủ yếu là để trông Bin, cậu con trai 2 tuổi của chị, ngoài ra giúp chị làm thêm việc nhà.

Hàng ngày, bác giúp việc đến nhà chị từ 7h sáng, xong bữa cháo tối của bé thì được về. Bác ôsin nhà chị vốn cùng chồng lên Hà Nội làm thuê để chăm sóc hai cậu con trai đang học đại học nên cũng xin nghỉ làm ngày chủ nhật và ngày lễ. Bé Bin khó nuôi, khó cho ăn nhưng lại rất chịu nghe bác giúp việc này, nên dù phải tự chăm con và giải quyết việc nhà vào những ngày nghỉ làm, chị Hương cũng đành chấp nhận thuê bác.

Ngày nghỉ cuối tuần khi bác ôsin không đến, gia đình chị thường đưa nhau ra ngoài ăn uống, vừa đỡ được chút việc nhà vừa thỏa mãn tính ham chơi của vợ chồng chị. Kỳ nghỉ Tết dương lịch này, chị dự định theo một tour đi Sapa nhưng vì thời tiết lạnh quá nên hoãn lại. Sau 2 ngày ở nhà chăm cậu con trai, chị chỉ thèm cảm giác được đi làm để trốn bé.

Chị Hương kêu ca: “Ăn vài bữa bên ngoài còn được, chứ cả kỳ nghỉ 3, 4 ngày mà ra hàng ăn thì tiền nào mà chịu nổi. Mà ra ngoài mãi cũng nản, trời thì lại lạnh”. Chị quyết định đi chợ mua thức ăn về nấu nướng. Mỗi bữa ăn của Bin kéo dài cả tiếng đồng hồ, chị chẳng còn thời gian thu dọn nhà cửa hay làm việc gì khác. Chồng chị vốn là con út, được chiều từ nhỏ, nên cứ để mặc việc nhà cho vợ. Anh chỉ đảm nhận mỗi phần việc chơi với con.

Bà nội trợ mệt mỏi khi ôsin nghỉ Tết ảnh 1

Ôsin nghỉ Tết, bà nội trợ nặng gánh việc nhà. Ảnh: Indiana.

Chị Minh Tú (dược trình viên, quận Phú Nhuận, TP HCM) thuê một ôsin là người theo đạo Thiên chúa giáo. Ngay từ ngày 22/12, người giúp việc nhà chị đã xin nghỉ nửa tháng để dành thời gian đi nhà thờ. Vì tín nhiệm bác ôsin đã phục vụ nhà mình hơn 3 năm nên chị Tú chấp nhận làm việc nhà chờ bà hết đợt nghỉ quay trở lại làm việc.

Hai cậu con trai của chị sát tuổi nhau (4 và 5 tuổi) suốt ngày tranh giành cãi cọ. Mấy ngày nghỉ Tết, hai cu cậu không phải đi mẫu giáo, nhà chị lúc nào cũng ầm ĩ như ong vỡ tổ. Chồng chị cuối năm họp hành tiệc tùng liên miên nên việc nhà càng đổ lên đầu chị. Chị phàn nàn trong nhà dù có máy giặt, máy rửa bát mà vẫn thiếu quần áo mặc và chén bát ăn chi vì không có thời gian phơi quần áo hay xếp bát đĩa. Khi bạn bè hẹn hò đến nhà chị chơi ngày Tết dương lịch, chị phải khéo léo từ chối vì ngại mọi người trông thấy cảnh lộn xộn trong nhà mình. “Phân xử hai anh em nó hết cả ngày rồi, còn đâu thời gian mà thu dọn nhà cửa”.

Vợ chồng chị Vân, anh Quang (quận 7, TP HCM) giận nhau cũng chỉ vì chị ôsin nghỉ về quê mấy ngày. Cứ đinh ninh nhà có người giúp việc, anh Quang rủ bạn bè về nhậu tiễn năm cũ. Kế hoạch đã lên rồi, hoãn lại sợ mất cái sĩ diện đàn ông, anh nịnh vợ để chị phục vụ bạn bè mình. Sau bữa nhậu nhìn nhà cửa ngổn ngang, ông xã thì say quắc cần câu, chị Vân giận quá bỏ về nhà mẹ đẻ. “Ổng dậy, thu dọn nhà cửa sạch sẽ thì mình về”, chị Vân cho biết.

Chị An (kinh doanh phụ tùng xe máy ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể năm nào, ngày giao thừa và mồng 1 Tết cũng là ngày bận rộn nhất trong năm của chị, không phải vì bán hàng chạy quá mà vì bác ôsin những ngày đó xin nghỉ việc. Bác ôsin là một người bà con họ hàng xa với chồng chị, đã làm cho nhà chị gần chục năm nay. Giao thừa năm ngoái, chị đã phải vào viện cấp cứu chỉ vì làm việc quá sức. Sau khi tính toán xong sổ sách kinh doanh của năm cũ, chị lại lao vào dọn nhà rồi làm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa… Chị dự định năm nay sẽ nói khéo để bác ôsin ở lại nhà chị những ngày Tết âm lịch, chị sẽ bù cho về quê vào ngày nào đó trước hoặc sau Tết. “Phải hứa cho thêm nhiều tiền đấy mà chưa biết bác ấy có đồng ý không”, chị lo lắng.

Chị Hạnh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) có kinh nghiệm thuê 13 người giúp việc kể từ khi sinh cô con gái đầu lòng giờ đã 5 tuổi, chia sẻ: rất nhiều ôsin nhân dịp nghỉ Tết về quê đã một đi không trở lại. Nhiều người ngán gia chủ hay muốn nhảy việc đều cố làm đến Tết. Ngày Tết nhiều gia đình thường tặng người giúp việc thêm quần áo, tiền tàu xe để giữ chân họ sau Tết. Tuy nhiên, rất nhiều người về quê gặp được bạn đồng nghiệp lại so sánh tiền lương, các chế độ ưu đãi của gia chủ và đòi tăng lương. Hoặc là nhà chủ phải tăng lương cho họ, hoặc là họ lại đi nhà khác.

Hầu như năm nào sau Tết, mặt bằng lương của ôsin cũng tăng. Nhà chị cũng thường xuyên phải tìm người giúp việc mới sau Tết. Vợ chồng chị khá kỹ tính, chưa bao giờ hài lòng với một người giúp việc nào. Mẹ chồng chị ở cùng cũng san sẻ cho chị nhiều việc vặt trong nhà nên khi ôsin “làm màu đòi nghỉ để tăng lương” anh chị thường cho nghỉ luôn, sau đó lại đi tìm một người khác.

Theo Kim Anh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm