Chồng lao động xa nhà, vợ thường bị ép buộc tình dục

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ép buộc tình dục là một chuỗi các hình thức gây áp lực, từ cưỡng hiếp cho tới các hình thức phi bạo lực nhằm buộc phụ nữ phải chấp nhận quan hệ tình dục (QHTD). Nạn nhân thường là người vợ, kẻ ép buộc là người chồng.

Với người lao động xa gia đình, QHTD càng hết sức phức tạp. Hội thảo quốc gia về giới, tình dục và sức khỏe tình dục do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) tổ chức trong hai ngày 8 và 9-11 tại Hà Nội đã phân tích nhiều vấn đề trong lĩnh vực này.

2/3 ông chồng ép vợ quan hệ

Theo ông Vũ Hồng Phong, nhà nghiên cứu nhân học và xã hội học (Viện Xã hội học), ép buộc tình dục trong hôn nhân được coi là chuyện khá phổ biến của các cặp vợ chồng hiện nay, là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khỏe phụ nữ.

Kết quả phỏng vấn 120 người lao động xa nhà và 120 nữ đã có gia đình tại ba huyện ở Nghệ An cho thấy họ không coi hành vi tình dục nào trong gia đình là bị “ép buộc”, bởi có yêu nhau thì người ta mới lấy nhau và ở với nhau. Người được phỏng vấn cũng không phân biệt thế nào là chống cự “thật sự” và chống cự “cho phải phép”. Nhiều thanh niên còn cho rằng những từ như “hiếp”, “cưỡng ép”, “hiếp dâm” không thích hợp để nói về QHTD giữa vợ và chồng. “Hiếp phải dùng cho người ngoài, tức là đàn bà không ưng mà mình bắt người ta vẫn phải quan hệ. Còn vợ chồng mà dùng từ hiếp thì là ngược đời, không đúng”.

Chồng lao động xa nhà, vợ thường bị ép buộc tình dục ảnh 1

Theo kết quả điều tra, hầu hết công nhân xây dựng có QHTD ngoài hôn nhân khi làm việc ở thành phố. Ảnh minh họa: HTD

Những người đàn ông được hỏi cho rằng nếu xảy ra chuyện này, phụ nữ không nên làm to chuyện vì sẽ ảnh hưởng đến danh dự của cả hai. Có phụ nữ còn bị cảnh cáo không nên có phản ứng “tự do” như phụ nữ thành phố. Vợ phải chiều, cho “quan hệ” cũng là phần thưởng cho cả ngày đi làm lấy tiền nuôi gia đình… Vì vậy, phần lớn vợ là người im lặng, bị động trong phát ngôn và hành động.

Việc ép buộc tình dục sẽ khiến sức khỏe phụ nữ suy giảm nghiêm trọng. Có đến 14% người đàn ông nói rằng vợ họ phải đi khám, điều trị vết thương bị gây ra do QHTD không mong muốn, gần 12% nghỉ làm việc một ngày và 5% phải đi nằm bệnh viện điều trị ít nhất một ngày do QHTD không mong muốn.

“Cai” tiền công kiêm “cai” tình dục

Trong số 120 người được hỏi, 2/3 nam giới cho rằng phụ nữ nên chiều theo đòi hỏi của chồng, 52% biết vợ phải thỉnh thoảng chiều. Có đến 75/120 nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã ép buộc vợ cho tình dục. Phần lớn họ cảm nhận được sự “không mong muốn” của vợ khi QHTD nhưng vẫn cứ thực hiện. Hơn 18% không quan tâm đến thái độ của vợ khi bắt đầu QHTD… Theo ông Phong, đây là những biểu hiện của ép buộc tình dục.

Tình trạng người nông thôn lên thành phố làm việc cho các chủ lao động tư nhân (gọi là cai) ngày càng phổ biến. Bà Bùi Thị Thanh Thủy, chuyên gia Sáng kiến tiếp cận y tế (Quỹ Clinton), cho biết từ cuối năm 2005, nhóm chuyên gia đã tiến hành 28 cuộc phỏng vấn sâu với hai nhóm công nhân xây dựng di cư từ tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc đã phác họa một bức tranh về QHTD trong giới lao động này. Một số “cai” không chỉ quản tiền công của công nhân mà còn quản lý cả QHTD. Ví dụ như “cai” Cường (ở Vĩnh Phúc) có QHTD song song với Thu (công nhân) và Hương (người nấu cơm). Thỉnh thoảng Cường sắp xếp cho Hương có QHTD với một số công nhân khác trong nhóm coi như là phần thưởng. Cường cũng không quên khấu trừ khoản tình phí này vào tiền công của họ. “Cường nói rằng tối nay anh ấy sẽ cho phép Mạnh ngủ với Hương và ngày mai anh ta sẽ đưa Hương 50.000 đồng từ tiền khấu trừ của Mạnh” - một nam công nhân tâm sự. Cường chỉ trả công mỗi năm một lần nên chỉ có QHTD với công nhân trong nhóm mới rẻ. Cứ như vậy, “cai” vừa đóng vai trò người dẫn mối, vừa sắp xếp dịch vụ tình dục giữa các công nhân trong cùng nhóm.

Cũng theo kết quả điều tra, hầu hết công nhân xây dựng có QHTD ngoài hôn nhân khi làm việc ở thành phố. Công nhân tìm kiếm dịch vụ mại dâm trong thành phố hoặc quan hệ với chính công nhân trong cùng nhóm. Khi bị lộ, họ (kể cả công nhân nữ) chuyển sang “quan hệ” với công nhân khác nhóm. Tính bầy đàn cao nên chữ chung thủy bị xem nhẹ. Một người (nam hoặc nữ) cũng có thể “quan hệ” với vài người khác hoặc ngược lại. Những người đàn ông thường có QHTD ở ngoài nơi làm việc, trong nhà nghỉ hoặc ở góc phố, ven sông, công viên. Đôi khi mang cả về công trường đang xây dựng...

Ai cũng hiểu QHTD ngoài gia đình là xấu. Nhưng các công nhân nam cho rằng để làm tròn vai trò của người chồng, người đàn ông chỉ cần kiếm đủ tiền đủ làm cho vợ anh ta vui. Những người đàn ông này xem tiền là biểu tượng của tình yêu, là sự làm tròn trách nhiệm.

Một phụ nữ có QHTD ngoài hôn nhân bị coi là xấu vì vi phạm chuẩn mực của “phụ nữ tiết hạnh”. Trong khi đó, một người đàn ông có QHTD ngoài hôn nhân thì không bị phán xét nghiêm khắc nếu anh ta vẫn có chu cấp cho gia đình. Đây là những vết hằn do định kiến xã hội đem lại. Khi công nhân vi phạm các chuẩn mực ở mức độ tương tự nhau, họ càng bảo vệ nhau hơn. Việc này hình thành cơ chế dung túng cho các QHTD thoáng qua vì mối quan hệ này được chấp nhận trong các chuẩn mực xã hội và niềm tin của người công nhân.

Trong thời gian tới, ISDS sẽ đẩy mạnh các chương trình giáo dục đồng đẳng, can thiệp vào công nhân di cư theo nhóm (làng) riêng rẽ, hay nhóm hình thành từ những người đến từ nhiều nơi.

Bà KHUẤT THU HỒNG,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS)

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm