Chồng “mất điểm” vì vợ

“Đúng là ghét của nào trời trao của nấy! Em mảnh mai, lãng mạn thế này mà ông chồng em lại cục mịch, khô như ngói. Chả bù cho ông bồ cũ, giống hệt tính em” - chị Thu (chủ một tiệm chăm sóc sắc đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM) bắt đầu bài “diễn văn” khai mạc buổi sinh hoạt thường kỳ của nhóm phụ nữ “Độc thân ban ngày” bằng giọng điệu tiếc rẻ. Họ lại tiếp tục đề tài cũ mà lúc nào cũng như mới: Phàn nàn về các ông chồng.

Đứng núi này trông núi nọ

Như để tăng sức thuyết phục, chị Thu kể một lèo: “Ông ấy còn bảo: Mấy thằng trong cơ quan thật điên, ngày lễ là ngày hoa đắt nhất mà còn vung tiền ra mua cho phí. Một bông hồng hôm 8-3 giá 15.000 đồng, bằng tiền mua hai nải chuối cau thơm ngon bổ rẻ…”.

Chị Hằng, kế toán của một trường học ở quận 3, kể: “Từ ngày có dịch vụ mua hàng theo nhóm, ông ấy cứ lùng sục trên mạng suốt. Biết là ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp nhưng chắc vì thế mà mình vẫn ở nhà thuê và lúc nào cũng mang một khoản nợ. Hồi sinh viên có một anh chàng đeo đuổi mình, cũng đẹp trai nhưng không ga lăng như chồng mình. Mới tìm hiểu mà anh ta đã bàn đến chuyện tiết kiệm tiền mua đất. Mình thấy anh ta đi chợ mua mớ rau cũng trả giá nên ghét. Ông chồng mình thì lúc nào cũng muốn chơi sang. Sinh nhật mình, ông ấy mua hoa hồng rải khắp lối vào phòng trọ. Lúc đó mình cũng thấy tiếc tiền nhưng hãnh diện với bạn bè lắm. Bây giờ có con cái rồi mà ông ấy vẫn giữ cái tính “làm bao nhiêu xài bấy nhiêu”, chưa kể cái tật hay bù khú bạn bè. Mình cũng muốn chắt chiu để mua nhà mà “chắt” không nổi…”.

Chồng “mất điểm” vì vợ ảnh 1

Rồi Hằng hạ giọng: “Cái ông Hạc ngày xưa mình chê tiết kiệm, nay có nhà để ở lẫn nhà cho thuê rồi đấy. Biết thế “chịu” ông ấy thì giờ thành bà chủ nhà rồi chứ đâu phải ở nhà thuê như bây giờ. Đúng là sai một ly đi một dặm!”.

Chị Nga, chủ một cửa hàng tại Trung tâm Thương mại Taka, lại có nỗi khổ khác: “Ngày xưa, mấy ông hơi mũm mĩm đều bị tui loại khỏi vòng lựa chọn. Chọn ông chồng thư sinh về, ai ngờ giờ ông ấy mập ú. Hồi tui có bầu con Bẹp, đi đâu người ta cũng trêu nhà này chuẩn bị sinh đôi nhưng bà sinh một đứa, ông… sinh một đứa. Ông ấy có chịu thể dục thể thao gì đâu. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa…”. Chị Sáu an ủi ngay: “Nuôi chồng mà chồng béo tốt phải mừng chứ. Cứ như tui đây, ông ấy càng ngày càng còm ròm. Bà mẹ chồng suốt ngày kêu: “Đúng là tốt mái hại trống!”. Cứ làm như tui bóc lột ông ấy tận xương tủy”. Hoàng Anh - nhân viên một hãng tàu, vừa hùa theo mọi người vừa liếc vào điện thoại: “Ông ấy gọi mà không nhấc máy ngay là có chuyện. Lúc nào ông ấy cũng nghĩ xung quanh mình toàn vệ tinh nguy hiểm. Ghen gì mà ghen tệ, ghen hại. Biết vậy khỏi lấy chồng cho tự do, thoải mái”.

Cuộc họp không biết bao giờ kết thúc vì có vẻ ai cũng bức xúc và không hài lòng với đấng phu quân ở nhà.

Thầm mà không kín

Thường khi vui nhiều chị em muốn giữ cho riêng mình, chỉ khi khó chịu mới cần có người để than vãn. Nội dung chủ yếu trong những lần chị em gặp nhau thường xoay quanh chủ đề thời trang, giá cả, con cái và đặc biệt là các ông chồng. Họ kể tội chồng với bạn bè, người thân để tìm đồng minh; đôi lúc cũng để thấy mình “có giá” hơn và chồng mình đang “rớt giá”.

Thế nhưng phần lớn các câu chuyện ấy sẽ được tam sao thất bản để rồi không còn là chuyện riêng tư của mỗi gia đình. Sau khi được trút bầu tâm sự, những người biết chuyện lại kể tiếp chuyện của người ta và “tô vẽ” chút ít cho thêm phần hấp dẫn. Do được thêm thắt, các nhân vật chồng bỗng dưng trở thành những ông chồng quá kệch cỡm. Tuấn, một kỹ sư tin học ở quận Tân Bình, TP.HCM, chỉ vì thường gọi điện thoại thăm hỏi cha mẹ già ở quê mà dưới mắt bạn bè vợ, anh đã trở thành một người chồng lúc nào cũng bám váy mẹ, thiếu quan tâm đến vợ.

Những câu chuyện cứ vậy mà dài và lâm ly hơn. Vô tình, nhờ sự “quảng bá” của các người vợ, hình ảnh các ông chồng xấu đi trong mắt người quen, người thân. Các chị thường nói vậy nhưng không phải vậy, nghĩa là bực thì nói thế nhưng vẫn rất thương chồng...

Vì mải mê tranh thủ chia sẻ sự thất vọng của mình nên các chị quên mất những giây phút hài lòng và hạnh phúc mà chồng đem lại. Khi nhận được sự quan tâm chăm sóc của chồng, họ coi đó là lẽ đương nhiên và không cần kể với bạn bè. Vậy là vô tình mỗi ông chồng sẽ phải nhận rất nhiều điều tiếng xấu, đôi khi bị coi là vô trách nhiệm, thậm chí không xứng đáng với vợ.

Hậu quả là khi gia đình lục đục, thay vì nhận được bí quyết để giữ hạnh phúc, họ thường nhận được những lời “khuyên” kiểu như “ông ấy tệ thế, bỏ quách đi cho rồi”... Vì là người ngoài và quen nghe những lời tiêu cực về các ông nên những “nhà tư vấn không chuyên” thường nghĩ đơn giản rằng… cứ bỏ đi cho khỏe. Bởi có cái nhìn thiếu khách quan và luôn muốn ủng hộ “quân mình” nên các “nhà tư vấn bất đắc dĩ” chẳng những không vun vào mà còn cào ra.

Gia đình chị Hải ở chung cư NTT, quận Bình Thạnh, TP.HCM suýt nữa thì tan nát cũng chỉ vì sự nhiệt tình của các “nhà tư vấn không chuyên” như thế. Đang ngồi quán phở gần nhà, anh Thắng nghe mấy bà bàn tán về mình mà ngỡ như nói về một “gã đàn ông ăn tục nói phét” nào đó, đến mức anh gần như không nhận ra mình nữa. Nghe xong câu chuyện, anh nóng mặt, vội về nhà hỏi vợ cho ra lẽ. Anh mới thất nghiệp vài tháng, vợ “đưa tin” thế nào mà người ta nghĩ anh đang ăn bám vợ. Vợ chồng anh cãi nhau một trận kịch liệt. Anh tức quá về quê cả tháng để tránh cái nhìn thương hại của những người xung quanh và để chị bỏ thói ăn nói lung tung…

Xấu chàng thì hổ ai?

Có thể có những điều, có những lúc người chồng không được như mong muốn của mình nhưng các bà vợ cũng nên khách quan hơn khi “kể tội” và “tuyên dương” thành tích của chồng. Chị em đừng kể tội chồng để đi tìm đồng minh cho mình và tự tăng giá trị vì xấu chàng thì hổ ai?

So sánh chồng với mình là một điều không thể được. So sánh chồng mình với những người “ngược lại với chồng” lại càng không nên. Chồng mình có thể không phải là “kết tinh” những mong muốn của mình nhưng chồng mình vẫn còn rất nhiều cái đáng yêu riêng.

So sánh chồng mình với người khác cũng là một so sánh khập khiễng. Chị em nên hiểu rằng nếu mình mong chồng mình có những điều chồng người khác có thì biết đâu người khác cũng mong một điều chồng mình đang có.

Bà VÕ THỊ MINH HUỆ,
Chuyên gia tâm lý Văn phòng Tư vấn Tâm lý Trẻ

HÀ AN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm