Dạy trẻ kỹ năng cứu người bị nạn

LTS: Những năm qua đã xảy ra khá nhiều cái chết đau lòng do trẻ cứu người rồi gặp nạn. Dĩ nhiên, cứu người là hành động đáng trân trọng nhưng không phải trong trường hợp nào điều đó cũng được khuyến khích, nhất là khi trẻ chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để tự cứu mình.

Thông tin ba học sinh lớp 11 ở Phú Yên chết đuối khi cứu bạn vào ngày 20-11 vừa qua đã khiến nhiều người cảm thương, khâm phục. Những cái chết thương tâm đó cũng cho thấy các em đang thiếu hụt nhiều kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm.

Theo nhiều chuyên gia, cần có một chương trình truyền thông rộng rãi về nâng cao nhận thức kỹ năng sống cho trẻ em với sự tham gia của toàn xã hội; trong đó quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, quản lý của phụ huynh.

Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH:

Phải lượng sức mình

Do trong xã hội đang có hiện tượng thờ ơ, bàng quan nên việc truyền thông, báo chí ca ngợi những tấm gương dũng cảm là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp, không nên để các em nhầm tưởng hễ thấy bạn gặp nguy hiểm thì phải nhảy xuống cứu mới là đạo nghĩa. Trong những trường hợp đó, các em phải biết lượng sức mình, tốt nhất nên hô hoán để mọi người xung quanh có thể đến hỗ trợ.

Dạy trẻ kỹ năng cứu người bị nạn ảnh 1

Học sinh và người dân địa phương tiếc thương tiễn đưa em Lê Đồng Tính, một trong ba học sinh ở Phú Yên quên mình cứu bạn ngày 20-11 vừa qua. Ảnh: TẤN LỘC

Câu chuyện đau lòng về cái chết của các em nhỏ ở Phú Yên là một bài học đau xót cho chúng ta. Còn trường hợp một thanh niên ở TP.HCM nhảy xuống kênh để lấy ví cho bạn gái cũng là một biểu hiện của kiểu “anh hùng rơm” không nên khuyến khích.

Chúng tôi đã xây dựng mạng lưới truyền thông rộng khắp, mở nhiều lớp tập huấn cho các em và cả giáo viên ở các trường; hướng tới việc đưa bơi lội thành môn học bắt buộc trong hệ thống các trường phổ thông… Tuy nhiên, đáng tiếc là gần đây, tình trạng các em nhỏ chết đuối vì cứu bạn vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Eboi (Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông Văn hóa - Giáo dục - Môi trường Pi:

Trước hết, cần dạy kỹ năng cho bố mẹ

Trong các trường hợp trẻ em bị chết đuối do cứu người, có rất nhiều trường hợp người bị nạn không biết bơi mà người xuống cứu cũng thiếu kỹ năng. Giả sử như trong tai nạn thương tâm với các em ở Phú Yên vừa rồi, nếu các em ở trên bờ được dạy để biết cách lấy quần áo kết lại thành dây hay tìm các cành cây để ném ra cứu bạn hoặc gọi người lớn đến cứu thì có lẽ mọi việc đã khác.

Việc cứu nạn rất nguy hiểm, kể cả đối với những người được huấn luyện kỹ. Khi ở dưới nước, người bị nạn rất hoảng sợ và thường hành động theo bản năng: có thể túm chặt người cứu, làm cho quá trình cứu nạn khó khăn, thậm chí gây nguy hiểm cho người cứu nạn. Trong cứu hộ, có những tình huống người cứu nạn phải để cho người gặp nạn bị đuối tạm thời mới lao xuống cứu.

Chúng tôi đang làm đề án đưa bơi lội vào trường học, trong đó nội dung chính là phải giúp trẻ lớp 1-12 nhận biết được nơi nguy hiểm để tránh hoặc chuẩn bị tâm lý trong các trường hợp đối mặt với nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi cách dạy và học bơi hiện nay: 100% dưới nước. Phương pháp của tôi là dạy lồng ghép: tập nhuần nhuyễn các động tác rèn luyện ở trên cạn (chiếm 70%-80% tổng thời gian học), thực hành rồi phổ biến kiến thức phòng, chống chết đuối…

Một điều quan trọng khác vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ta là bố mẹ có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ sơ sinh vì trẻ con nằm trong bụng mẹ đã có thể biết bơi. Khi trẻ chào đời, có hai phản xạ được di truyền: phản xạ ngưng thở khi đầu chìm trong nước và phản xạ đạp chân, đập tay. Cả hai phản xạ này được duy trì đến hết 18 tháng tuổi.

Từ khi trẻ được 7-8 ngày tuổi, bố mẹ có thể dạy trẻ làm quen với nước để sau này trẻ không sợ nước và duy trì phản xạ bơi đến hết 18 tháng tuổi. Sau đó, khi được dạy bơi, trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn. Phụ huynh không nên quan niệm rằng phải có người chuyên môn dạy bơi cho trẻ. Thật sự, mỗi bậc cha mẹ đều có thể là một huấn luyện viên đầu đời cho con mình.

ThS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội:

Thanh thiếu niên đang thiếu hụt kỹ năng sống

Vừa qua, có rất nhiều trường hợp khi xảy ra sự cố thì người trong cuộc lúng túng trong việc xử lý và đôi khi “góp phần” làm cho hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân có thể do mọi người mất bình tĩnh khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Điều đó khiến việc xử lý các tình huống diễn ra một cách tự phát, thiếu sáng suốt. Một nguyên nhân nữa chính là sự thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản cùng kiến thức xã hội trong một bộ phận thanh thiếu niên nói riêng và người dân nói chung.

Để trang bị thêm những kiến thức xã hội và kỹ năng sống cần thiết cho thanh thiếu niên, thời gian qua Đoàn Thanh niên các cấp và Thành đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình tập huấn kỹ năng cho các bạn trẻ với mục đích giúp họ hiểu và có những cách ứng xử đúng đắn trong cuộc sống, lao động và học tập. Đó là các mô hình: Học kỳ quân đội, Học làm người có ích, Trải nghiệm học đường…

VIẾT THỊNH - B.PHƯỢNG ghi

Những cái chết thương tâm do quên mình cứu bạn

Nhiều năm qua, không ít em nhỏ ở các tỉnh, thành trên toàn quốc đã vĩnh viễn ra đi sau khi cứu bạn. Danh sách ấy ngày càng nối dài theo thời gian.

Ngày 8-9-2011, cậu bé Trần Văn Nguyên (Quảng Ngãi) tử vong sau ba lần cứu bạn. Trước đó, năm 2010, người dân xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đều xót xa khi nhắc tới cái chết thương tâm của em Nguyễn Văn Hà do cứu bạn. Ra đi cùng Hà là những người bạn Hà đã không ngại hiểm nguy lao xuống cứu.

Tháng 2-2009, em Mỵ Duy Thanh (Đồng Nai) cũng đã hy sinh khi cứu bạn. Tháng 9-2007, em Phùng Văn Nhanh (Đà Nẵng) đã chết đuối sau khi cứu bạn. Một cậu bé 11 tuổi ở Tuy An (Phú Yên) cũng chết đuối sau khi cứu hai em nhỏ khỏi hố nước sâu. Cuối năm 2006, hai học sinh lớp 6 Trường THCS Đăk Mar đã thiệt mạng khi cứu một bạn cùng lớp lâm nạn...

PT tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm