Không dám lấy vợ vì lương công chức "còm"

"Khi bắt đầu đi làm, tôi đã tự nhủ, phải tự lực làm việc để kiếm tiền lấy vợ, tự nuôi bản thân, không thể ăn bám cha mẹ mãi được. Vậy mà sau 10 năm, giờ tôi vẫn chưa thể lấy vợ mà lý do đơn giản là thu nhập của tôi mới chỉ đủ chi tiêu tối thiểu cho mình, làm sao dám nghĩ sẽ lo được cho gia đình", anh Quốc Thắng, (Thanh Xuân, Hà Nội) - người có thâm niên công tác gần 10 năm tại một đơn vị hành chính sự nghiệp bộc bạch trong lá thư gửi về VnExpress.net mới đây.

Anh Thắng cho biết thêm, một người bạn của anh, có bằng cao học - đã muốn khóc tại chỗ khi cầm số tiền lương tháng đầu tiên với tư cách giảng viên: 996 nghìn đồng. Anh này chẳng bao lâu sau đã xin ra ngoài làm vì "nuôi thân còn chẳng đủ, sao có thể nuôi con với đồng lương như thế".

"Tôi cũng đang băn khoăn không biết nên trụ lại hay ra đi. Cái câu 'có thực mới vực được đạo' giờ lúc nào cũng văng vẳng trong đầu. Tôi muốn cống hiến lắm, nhưng tôi cũng muốn có được một gia đình hạnh phúc, đủ đầy bằng chính khả năng của mình, ", anh Thắng chia sẻ.

Chị Hiền, một đồng nghiệp của anh Thắng cũng cho biết, từ đầu năm đến giờ, trong túi chị không lúc nào có quá hai trăm ngàn đồng sau khi mua sữa cho con. "Sau 9 năm làm việc lương mình cũng tăng được vài lần, nhưng tổng cộng chưa bao giờ vượt quá con số 3 triệu, trong khi, giá cả mặt hàng nào cũng tăng chóng mặt", chị Hiền nói.

Chị thổ lộ, dù muốn thay đổi công việc nhưng sau vài lần cân nhắc chị vẫn không dám quyết vì "làm lâu trong một môi trường công chức, tự dưng thấy con người mình cũng ù lỳ đi, giờ muốn kiếm việc khác chắc cũng khó.

Còn anh Hoàn - cán bộ nghiên cứu tại một cơ quan nhà nước ở Ba Đình, Hà Nội, mỗi lần đưa lương cho vợ lại cảm thấy buồn và nản vô cùng. Anh biết, với hai triệu đồng, chị chỉ đủ đóng học và lo ăn uống cho cô con gái 5 tuổi thôi.

Có trong tay 3 bằng đại học trong nước và một bằng thạc sĩ nước ngoài, mỗi tháng, anh Hoàn nhận được lương gần 3 triệu đồng. Chỉ dám giữ lại mấy trăm để đổ xăng và đề phòng khi phải sửa xe, số còn lại anh đưa tất cả cho vợ. Dù vậy, anh biết, số tiền đó chẳng thấm là bao so với chi phí hằng tháng của gia đình mình: Tiền điện nước, tiền trả nợ khoản vay trả góp để mua nhà, tiền ăn uống ngày 3 bữa của ba người, tiền cho con ăn học, tiền hiểu, hỉ...

Vợ anh, hiện đang làm kế toán cho một công ty vận tải ở Hà Nội, phải nhận làm thêm về thuế cho vài doanh nghiệp nhỏ khác, mới đủ trang trải cho gia đình. Biết vợ cũng mệt mỏi và thất vọng, anh Hoàn chỉ biết cố gắng bù đắp bằng cách giúp chị việc nhà và đưa đón con đến trường.

"Tôi rất yêu công việc mình làm và từng hy vọng cơ hội thăng tiến và tăng thu nhập sẽ đến, nhưng giờ, tôi không thể kiên trì chờ đợi được nữa. Vợ tôi sắp sinh đứa con thứ hai, tôi không thể chồng hết gánh nặng kinh tế lên vai cô ấy mãi. Tôi đã nghĩ đến việc bỏ cơ quan, xin làm ở một công ty tư nhân với mức lương cao hơn nhiều, nhưng vẫn tiếc những công trình nghiên cứu mình đang thực hiện dở dang", anh Hoàn tâm sự.

Có chồng đang làm việc tại một cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chị Mai, biên tập viên một tờ tin tức ở Hà Nội cũng cảm thấy lo lắng về tương lai của gia đình mình.

Chị kể, anh chị cưới nhau được gần một năm. Chồng chị giờ hành chính làm việc tại cơ quan, còn buổi tối phải theo lớp cao học nên mọi việc nhà đều do chị gánh vác. Hiện mỗi tháng, thu nhập của anh được khoảng gần 2 triệu đồng, vừa đủ đóng tiền thuê nhà, còn lại, tất cả các chi phí khác, đều trông cậy vào đồng lương hơn 4 triệu của chị, hoặc nếu túng bấn, sẽ nhờ sự trợ giúp của gia đình hai bên.

"Mình mang bầu được gần hai tháng rồi, nghĩ đến cảnh sinh con ra mà kinh tế vẫn nheo nhóc thế này thì không biết cuộc sống sẽ ra sao. Nhiều lúc mình cảm thấy bế tắc vô cùng nhưng hễ cứ tâm sự với chồng là anh ấy cáu um lên, rồi còn tự ái khiến không khí gia đình căng thẳng", chị Mai thổ lộ.

Nhiều người làm trong các cơ quan nhà nước than thở vì đồng lương quá thấp, không thể đảm bảo cuộc sống gia đình, nhưng cũng có không ít người lại tỏ ra rất thích thú với công việc hành chính.

Chị Bích (Cầu Diễn, Hà Nội), biên tập viên một tờ tạp chí ngành, cho biết, trước đây, nhiều lần chị định bỏ chỗ làm vì chán cảnh bị các chị em khác rỗi việc săm soi, đồng lương lại quá "bèo" nhưng sau khi có con chị lại có suy nghĩ khác.

"Chỗ mình làm rất nhàn nên mình có nhiều thời gian để chăm sóc con. Không bị áp lực về công việc, mình cứ tà tà viết đủ chỉ tiêu, còn lại, viết bài cộng tác với vài tờ khác. Có tháng, thu nhập phụ cao hơn thu nhập chính, mà lại không bị gò bó gì cả. Mấy cô bạn mình làm ở báo lớn, tuy chuyên nghiệp thật đấy, lương cũng cao nhưng quay như chong chóng suốt ngày, muốn gửi con ở trường công cũng không được vì chẳng thể về sớm mà đón. Thôi, được cái nọ, mất cái kia" chị Bích bày tỏ.

Khá tâm đắc với công việc của một viên chức nhà nước, anh Thạch (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, lương chính của anh mỗi tháng cũng chỉ được hơn 3 triệu, nhưng bù lại, nhờ biết tạo dựng các mối quan hệ, anh có thể nhận nhiều dự án riêng để làm thêm và thu nhập có được cũng khá cao.

"Nếu mình có tri thức, lại năng động, biết tính toán thì dù ở môi trường làm việc nào cũng vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống. Tất nhiên, ngoài những công việc có cơ hội để 'kiếm thêm', cũng có những vị trí mà những người giữ nó chẳng thể nhòm ngó đi đâu được", anh Thạch nói.

Theo Vương Linh ( VNE)

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm