Nhọc nhằn phụ nữ tái giá

Anh trai bố tôi mất cách đây tám năm, vào đúng thời điểm các con bác cần sự định hướng, dìu dắt và hỗ trợ của bố mẹ nhất. Bác dâu suy sụp mất một thời gian, đau khổ, vật vã. Thế rồi, đàn con với đôi mắt trong veo đã khiến bác cố gượng dậy, kiên cường đảm nhận hai trọng trách làm mẹ và làm cha.

Từ việc lo cho ba anh chị ăn học, xin việc, dựng vợ gả chồng, kể cả trông cháu, nhọc nhằn nhường nào chỉ ai từng trải qua mới thấu hiểu. Tuổi xuân của bác cứ qua đi, các anh chị trưởng thành, gia đình ổn định, thi thoảng trong ánh mắt bác vẫn phảng phất nỗi buồn, khi mà các con kiến giải nhất phận, chúng châu về gia đình nhỏ của mình mà dường như quên mất sự hiện diện của mẹ. Lũ cháu ban ngày chơi với bà nhưng chiều khi mẹ đi làm về thì không còn hát í ới bên bà nữa. Mỗi đứa giờ có cuộc sống riêng, bận rộn lo toan riêng, ngày Tết có khi còn không tụ tập đông đủ hết, có chăng chỉ trong ngày giỗ

bố…

Bác không còn trẻ nhưng cũng mới chỉ đi qua một chút phía bên kia dốc cuộc đời, bác vẫn cần được yêu thương, quan tâm chăm sóc mà những người con, người cháu chưa đủ tinh tế hoặc thời gian để chiều mẹ.

Phụ nữ có tuổi, ham muốn trong cuộc sống vợ chồng có thể là không còn nhưng họ vẫn rất cần sự sẻ chia của tình bạn, có một người để mà ân cần chăm sóc sớm hôm, cùng ăn một bữa cơm, làm chung một việc gì có ý nghĩa. Có thể chỉ cần đi dạo bên nhau cũng đủ cho một ngày toả nắng sáng...

Bác dâu đã nghĩ thế nên dành thời gian gặp gỡ, tìm hiểu một bác cùng công tác trong xã. Hai người rất đẹp đôi. Họ nuôi ý định về chung một mái nhà. Các anh chị tôi tư tưởng tiến bộ nên không ý kiến gì, chỉ có những người trong họ mạc là kịch liệt hoặc ngấm ngầm phản đối. Sống cho mình, nhưng miệng lưỡi thế gian, ai mà không một lần đau lòng trước những lời nói móc.

Làng tôi lúc nông nhàn vẫn còn tình trạng quây quần, ngồi lê đôi mách để xét nét chuyện người khác, và chính đàn bà lại là những người tự mang đến những cái gông vô hình cho mình bằng những lề lối phong kiến đã cũ vốn hay xem thường đàn bà, con gái.

Trong ngày giỗ Họ, không thiếu những lời thiếu thiện cảm dành cho bác dâu, cả những lời nói xa gần, cạnh khóe khiến bà góa càng có thêm cảm giác côi cút, tủi thân.

Có người còn đến hỏi mỉa bà nội tôi: “Ông kia đến ăn hỏi bác dâu cả thì sang nhà mình hay đến hỏi bà thông gia ạ?”. Bà tôi chạnh lòng nói dỗi: “Đến đâu thì đến, mặc kệ, tao không quan tâm đến phường tráo trở, vô lương ấy”.

Vậy là có vài người phụ họa: “Chồng chết lý ra phải thờ chồng nuôi con, sống chết với nhà chồng, đằng cứ tớn lên”.

“Trẻ trung gì nữa đâu, còn ham hố gì mà chồng với con, cưới với cheo, làng xóm người ta cười cho…”.

Ai sống được với quá khứ? Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, có người cảm thấy bên con cháu là hạnh phúc, vui vầy nhưng có người lại thấy được một người bạn luôn ở bên mới bớt trống trải, quạnh hiu, đó là suy nghĩ và cách lựa chọn cuộc sống của họ. Bao giờ mọi người mới học cách tôn trọng cuộc sống của người khác?

Cô đơn, nào ai muốn! Chẳng biết bác tôi có đủ can đảm để vượt qua “điều tiếng”? Sống trên dư luận, cũng được thôi nhưng giá thay vào đó là những nụ cười khích lệ, sự động viên, chúc phúc của những người xung quanh thì hẳn niềm vui tuổi xế chiều sẽ trọn vẹn.

Nhân ngày 20-10, xin một chút công bằng cho những người phụ nữ vốn đã kém may mắn.

Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm