Tình già tựa nhau

Ở ngôi làng Địa Lin, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khi ánh mặt trời vừa rọi xuống dòng sông Bồ, ông Nguyễn Trai (61 tuổi) bị mù và vợ là bà Nguyễn Thị Thương (62 tuổi) bước vào một ngày mưu sinh mới.


Tình già tựa nhau ảnh 1
Tuổi xế chiều, họ nương tựa nhau ấm áp và hạnh phúc
Đồng cảnh tương lânNgân ngấn nước mắt, bà Thương kể: Cha mất sớm, mẹ làm lụng vất vả nuôi hai con, em trai kém bà 10 tuổi lại bị bệnh tâm thần nên gia đình càng túng quẫn. Sức khỏe yếu, ngày ngày, bà Thương bưng thúng ra chợ xã bán hành, tỏi kiếm chút lời và có thời gian chăm mẹ, lo em. Tuổi xuân cứ trôi qua mà bà không dám nghĩ mình sẽ có một bờ vai để nương tựa... Bà Thương tâm sự: “Nó (em trai của bà – NV) học đến lớp 6 rồi vào Đắk Lắk học nghề thợ mộc. Sau vài năm thì về quê mở tiệm. Không biết vì sao nó bị điên điên. Bình thường thì vui vẻ nhưng lên cơn thì hung tợn, bán cả gạo trong nhà để uống rượu…”. Còn ông Trai, là con cả, có 4 em, ở xã miền núi Bình Thành, huyện Hương Trà. Gia đình ông làm nông, thường xuyên ăn cơm độn sắn. Ông mù lòa từ nhỏ và không biết chữ. Thương cha mẹ vất vả, 12 tuổi, ông đã trông trẻ con trong làng để kiếm thêm chút tiền. Năm 1992, khi Hội Người mù huyện Hương Trà ra đời, ông gia nhập hội và rất chăm chỉ, xốc vác với nghề làm tăm tre, chổi đót để tự nuôi thân… Bốn năm trước, ông Trai về xã Hương Vinh sinh sống và làm việc. Mỗi tháng, bà Thương vài lần đến Chi hội Người mù xã Hương Vinh nhận gạo, nhận quà hỗ trợ cho gia đình nên hai người quen nhau. Thấy ông Trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng mù lòa, còn bà Thương thì vẫn một thân một mình nên chi hội đặt vấn đề để hai người kết thành cặp đi bán vé số. Tuy thấy hợp lý nhưng bà Thương bảo: “Mẹ già nằm liệt giường, em bệnh tật. Đi bán vé số cả ngày, ai chăm sóc họ?”. Một thời gian sau, mẹ bà qua đời, bà mới nhận lời cùng ông Trai đi bán vé số. Lúc đầu, bà Thương chỉ là người dẫn đường, tiền lời chia đôi. Ngày ngày, họ cùng đi bán vé số, chăm sóc cho nhau và rồi đến với nhau bằng sự đồng cảm về số phận. Ông Trai suy nghĩ lung lắm và hỏi bà Thương: “Tui đau ốm, bà chăm sóc được, nhưng… bà đau ốm, tui có chăm sóc được mô. Đến với nhau, tui chỉ làm khổ bà thêm!” nhưng bà Thương bảo: “Tui thương mẹ răng thì thương ông rứa”. Ngày họ về sống chung một mái nhà, ai cũng mừng. Ông Trai xúc động kể: “Hôm tui dẫn vợ về quê ra mắt, họ hàng ai cũng vui. Bữa cơm ra mắt ấm cúng lắm”. Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát, hai mảnh đời già nua, bất hạnh ấy sống tựa vào nhau và cưu mang cả người em bị tâm thần. Mong ước nhỏ nhoiHôm tôi đến, ông Trai ngồi trên chiếc giường xập xệ, trầm ngâm vạch ra lộ trình mới đi bán vé số. “Hôm qua, đi khắp phố rồi mà bán được ít vé lắm. Phải tìm chỗ mới mà bán thôi”. Chuẩn bị xong bữa trưa đạm bạc chỉ có ít cá, dưa hành và mắm để mang theo, bà Thương rủ chồng đi bán. Ông Trai quờ chân tìm dép, mò mẫm bước ra cửa, vừa lúc bà Thương đưa bàn tay đen sì vì nắng gió đón ông. Họ cùng bước vào cuộc mưu sinh. Hai bóng người già, gầy gò, chậm rãi bước qua phố cổ Bao Vinh, đường Huỳnh Thúc Kháng, Đinh Tiên Hoàng… Trưa, vợ chồng ông Trai vào một hàng cơm ven đường ngồi nhờ để ăn và tranh thủ nghỉ ngơi. Trời nắng như đổ lửa, mồ hôi tứa ra đầy mặt, ướt cả bờ vai ông Trai, bà Thương vội lấy khăn lau mặt cho chồng. Ông Trai cười bảo: “Trước, nằm mơ tui cũng không dám nghĩ mình sẽ có vợ. Hồi thanh niên, cha mẹ cũng tìm vợ cho nhưng tui từ chối vì nghĩ mình mù lòa”... Nắng còn soi đỉnh đầu,  vợ chồng ông Trai lại dắt nhau qua nhiều con phố bán vé số. Trên đường về, bà Thương ghé chợ mua ít rau, cá về nấu buổi tối. Căn nhà tạm bợ của bà Thương được chính quyền địa phương hỗ trợ xây cất đã gần 10 năm, giờ đã xuống cấp, dột tứ tung, đầu hồi phải che tạm chiếc bạt để có chỗ nấu ăn. Mỗi ngày, ông Trai đều giữ lại một tấm vé số, mong trúng một số tiền để xây sửa lại nhà cho vợ đỡ khổ; còn bà Thương chỉ mong… trúng chút ít để trả hết nợ vé số! Năm rồi, khi đi bán ở phố cổ Bao Vinh, một phụ nữ đi xe tay ga mua một tờ vé số và đưa tờ 100.000 đồng. Bà Thương đi đổi tiền để thối, đã bị người phụ nữ này tráo vé số cũ lấy đi 300 tờ vé số chưa mở thưởng rồi bỏ đi. Sau đó, có lần bà Thương quên bỏ vé vào túi xách, bị mất hơn 350 tờ vé số. Hai lần đó, ông bà phải đền cho đại lý hơn 3 triệu đồng. Đến cuối năm nay mới có thể trả hết nợ! – ông Trai thở dài.
Theo Quang Nhật ( NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm