Trải lòng cùng bạn trẻ đường phố

“Con 18 tuổi, đã phá thai bốn lần rồi, có sao không?”. “Bạn gái con 16 tuổi, ngày nào cũng quan hệ tình dục, có ngày 2-3 lần, lần nào cũng uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì có vô sinh không?”… Đó là những lo lắng được hơn 30 bạn trẻ là nam nữ đang sống đường phố đặt ra tại diễn đàn “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ về sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh thiếu niên đường phố” do Dự án phòng ngừa HIV/AIDS - Trung tâm Thực hành công tác xã hội (Đại học Mở TP.HCM) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tổ chức ngày 20-5.

“Uống nhiều có lờn thuốc?”

Trong buổi tư vấn, nhiều bạn trẻ tuổi đời nhưng gai góc, già trước tuổi vì sớm mưu sinh đường phố đã mạnh dạn bộc lộ những băn khoăn, suy nghĩ của mình với người tư vấn. Chẳng hạn, một bạn gái da đen đúa, gương mặc hốc hác nhưng rắn rỏi hơn so với tuổi 18 hỏi bác sĩ: “Em đã có thai bốn lần, phá bỏ bốn lần. Theo em được biết thì phá thai ba lần có nguy cơ vô sinh rất cao”... Bạn gái vừa dứt lời, một bạn nam khác đứng lên hỏi tiếp: “Thưa bác sĩ, bạn gái có thai lần đầu tiên đi phá có nguy cơ vô sinh không?”.

Một câu hỏi khác cũng khiến bác sĩ hết sức bất ngờ: “Nếu mình không sử dụng bao cao su mà uống thuốc ngừa thai khẩn cấp thì có bị gì không? Uống 1-2 năm có sao không bác sĩ?”. Sợ có thai ngoài ý muốn nhưng không phải bạn gái đường phố nào cũng can đảm uống thuốc ngừa thai. Có bạn lo lắng một cách ngây ngô: “Bác sĩ ơi, vậy mình uống nhiều có lờn thuốc không? Có mòn tử cung không?”.

Trải lòng cùng bạn trẻ đường phố ảnh 1

Một thiếu nữ đường phố đang đối thoại về sức khỏe sinh sản với bác sĩ Trang. Ảnh : DUY TÍNH

Bác sĩ Hồ Thị Trang, Phòng khám đa khoa Triệu Phước (Bảo sanh Vạn Phước), người đã hơn ba năm tư vấn cho thanh thiếu niên đường phố, nhận xét các em rất khó tiếp cận và bướng bỉnh hơn các thanh thiếu niên bình thường. Do các em có mặc cảm nên bác sĩ tiếp xúc với các em rất khó, không phải ai cũng làm được. “Giống như người chị, người mẹ, chúng tôi phải tiếp cận từ từ, sẵn lòng giúp đỡ các em nên các em mới chịu mở lời với mình” - bác sĩ Trang cho biết.

Đang có thai vẫn hành nghề!

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu trường hợp nạo hút thai, trong có có 300.000 trường hợp ở trẻ vị thành niên. Đối với thanh thiếu niên đường phố, hiện chưa có một trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí nào của nhà nước hay tư nhân. Tuy nhiên, cũng có một số bác sĩ vì thương hoàn cảnh của các bạn trẻ nên đã tự nguyện chăm sóc thai kỳ nếu họ lỡ mang thai và giới thiệu người nuôi con cho họ nếu họ không nuôi.

Số lần quan hệ tình dục là vấn đề quan trọng mà các cô gái đường phố quan tâm, bởi ai làm nghề này cũng biết rằng sẽ chóng già, chóng tàn phai nhan sắc. “Bạn con 16 tuổi, ngày nào cũng quan hệ tình dục, có ngày tới 2-3 lần. Vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?”. Bác sĩ Trang trả lời rằng sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu là bạn trẻ thì một tuần 2-3 lần, trung niên một tháng 2-3 lần. Nếu quan hệ nhiều, nữ sẽ dễ bị mắc các bệnh lây qua đường tình dục, teo ống dẫn trứng, teo nội mạc tử cung và gây vô sinh. Còn nam có bao nhiêu chất bổ cũng đổ ra thì sẽ ốm, mục xương, mất sức…

“Có bạn có thai 7-8 tháng, đi làm nghề có sao không? Đang có kinh đi hành nghề có sao không?” - một bạn gái khác hỏi. Bác sĩ ân cần khuyên rằng vấn đề quan trọng nhất là dù có thai hay không có thai thì khả năng lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh khác cũng như nhau. Khi có thai ở ba tháng đầu và tháng cuối phải hạn chế quan hệ. Theo bác sĩ Trang, khi bạn gái đang có kinh nguyệt, mất máu, mất sức khì không nên quan hệ, tránh nhiễm trùng đường sinh dục. Nếu hoàn cảnh buộc phải làm gái mại dâm thì các bạn phải bảo vệ mình không để có thai (uống thuốc ngừa thai hằng ngày) và tránh nhiễm HIV/AIDS (dùng bao cao su).

Các em sẽ biết bảo vệ mình!

Tôi rất vui khi tạo cho các em có cơ hội bày tỏ những băn khoăn trong đời sống thực tế, chia sẻ tâm tư với bác sĩ, đồng thời thu lượm kiến thức để bảo vệ cuộc sống mình. Chương trình phòng chống lây nhiễm HIV đã hoạt động được gần hai năm, mỗi năm thu hút được khoảng 7.000-10.000 lượt tham gia. Chương trình có nhiều hoạt động như làm diễn đàn, đối thoại cộng đồng, kêu gọi hỗ trợ, truyền thông bạo lực đường phố, rượu bia, quan hệ nam nữ, vấn đề đồng giới…

Ông Lê Quang Nguyên, chuyên gia bảo vệ và quản lý dự án chương trình HIV và sức khỏe thanh niên

DUY TÍNH - BÍCH HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm