Ứng phó khi trẻ gây hấn

Trẻ em dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có lúc tỏ ra không ngoan. Đó là một biểu hiện bình thường trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhưng lại khiến phụ huynh rất mệt mỏi. Trong các trường hợp như vậy, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý chính là tìm ra nguyên nhân hành vi gây hấn của trẻ để có cách giải quyết kịp thời. Sau đây là một số tình huống đã diễn ra trên thực tế được ThS Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần Trung ương 2, hướng dẫn cho các phụ huynh.

Do bị đối xử phũ phàng

Nửa tháng nay, Mai (12 tuổi) hay quát tháo bố mẹ và cáu gắt, đánh đập em gái một cách vô cớ. Cha mẹ tìm hiểu và biết được Mai vừa bị nhóm bạn thân nghỉ chơi.

=> Hướng giải quyết: Ở lứa tuổi thiếu niên, vai trò của nhóm bạn đồng lứa cực kỳ quan trọng, nếu vai trò đó không được phát huy mà lại mang đến những tác động tiêu cực thì rất nguy hiểm. Ở đây chính là vấn đề liên quan đến việc Mai bị “tách” hay cô lập bởi “xã hội” mà em đang trải nghiệm. Để giúp trẻ ở lứa tuổi này thoát khỏi những tình trạng tương tự, trước tiên phải giáo dục các em kỹ năng tự ý thức bản thân, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn... Cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ gần gũi với con cái, lắng nghe, đồng cảm để trẻ vượt qua những cảm xúc như vậy một cách tốt nhất. Trong trường hợp đó, phải trải nghiệm điều này các em mới trưởng thành hơn.

Cường (lớp 7) hay bị một anh bạn trong xóm ăn hiếp. Khi chơi trò chơi chung, anh này thường kiếm cớ đánh Cường thật đau. Một tháng gần đây Cường hay bị cô giáo méc với mẹ là thường đánh một bạn cùng lớp.

=> Vấn đề bắt nạt trong lứa tuổi này rất hay xảy ra. Cái gốc của vấn đề là nguyên do vì sao Cường bị đánh. Mối quan hệ giữa việc Cường bị đánh dẫn tới Cường đánh một bạn khác là một hệ quả. Ở đây có mấy vấn đề cần xem xét: Thứ nhất, phải chăng Cường không bao giờ bị ba mẹ đánh mà chỉ bị anh hàng xóm đánh? Nếu vậy, phải tìm hiểu tại sao anh hàng xóm hay đánh Cường: do anh ta là người thích bạo lực hay anh ta thường bị bố mẹ đánh?... Khi đã tìm hiểu được gốc của vấn đề chúng ta sẽ có cách giúp Cường vượt qua khó khăn này. Tiếp đến, cần giáo dục Cường những giá trị tốt đẹp của cuộc sống như biết sẻ chia, yêu thương... Muốn vậy, cha mẹ cần gương mẫu và cùng con cái xây dựng những hệ giá trị trên trong gia đình.

Ứng phó khi trẻ gây hấn ảnh 1

Cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ gần gũi với con cái ở lứa tuổi thiếu niên với các nhóm bạn đồng lứa. Ảnh: HTD

Do mê game bạo lực

Gần đây, Vinh (14 tuổi) hay gắt gỏng, cãi nhau với cha mẹ. Sau đó, cha Vinh bắt gặp con mình thường xuyên chơi game online VLTK nên đã cắt Internet, cấm con chơi game. Thái độ gắt gỏng của Vinh từ đó có chiều hướng tăng. Không chỉ thường xuyên cáu gắt, em còn nói những từ đệm dung tục.

=> Trò chơi trực tuyến bạo lực thường có nguy cơ gây bạo lực ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nếu phụ huynh cắt “cơn” đột ngột sẽ gây ra những khó khăn về cảm xúc cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần lên chiến lược can thiệp dài hạn. Đầu tiên, cần giảm dần thời gian chơi game online của trẻ. Thứ hai, hãy cùng tạo ra những hoạt động thú vị ở cuộc sống thực với trẻ. Thứ ba, hãy giúp trẻ có những đam mê khác và cho trẻ thấy giá trị của bản thân mình trong cuộc sống thực. Thứ tư, gia đình cần dành thời gian cho nhau và chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những điều trên nếu được giải quyết từ từ sẽ giúp Vinh sống tích cực hơn.

Do khủng hoảng tâm lý lứa tuổi

Đang chơi ném banh với bạn rất vui, bỗng dưng Trung (ba tuổi) đấm vào mặt bạn và giành lấy banh. Trung cũng hay làm như vậy khi chơi với những bạn khác khiến mẹ không thể nào can thiệp kịp thời.

=> Trung đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba với đặc trưng là bắt đầu phát triển khả năng tự ý thức, muốn được làm người lớn, muốn độc lập. Tuy nhiên, rất có thể Trung luôn tiếp nhận hành vi bạo lực thụ động hoặc chủ động, nghĩa là có thể Trung thường bị đánh hoặc nhìn thấy người khác đánh nhau. Trung bị đánh là do ở tuổi này Trung bắt đầu làm cho cha mẹ khó chịu vì việc “không vâng lời”. Nếu thực sự như thế, đừng quên rằng Trung đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, rất cần cha mẹ giúp đỡ để xây dựng ý thức bản thân mình tốt. Vì thế, cha mẹ phải luôn động viên, giải thích cặn kẽ và phát huy tối đa những tính cách tốt ở trẻ, đồng thời cần xem xét lại hành vi của mình, tuyệt đối tránh đánh nhau trước mặt con. Thường, trẻ nhỏ chỉ có hành vi đó khi tập nhiễm từ chính người lớn.

Lan (13 tuổi) trước đây rất ngoan nhưng khoảng nửa năm trở lại đây thì cha mẹ nói gì cũng cãi lại. Cha mẹ tìm hiểu những mối quan hệ bạn bè của con, việc học hành của con và biết tất cả đều bình thường.

=> Lan đang ở tuổi dậy thì, lứa tuổi mà tâm lý học gọi là “giai đoạn ngựa chứng”, muốn chứng tỏ mình là người lớn. Với lứa tuổi này, cha mẹ cần khéo léo khi gần gũi, giáo dục trẻ. Hãy xác định rằng trẻ đã vào tuổi trưởng thành; do đó trong mọi hành động và mối quan hệ, cần tôn trọng trẻ như trẻ đã là người lớn. Cha mẹ cần lắng nghe trẻ nhiều hơn là áp đặt và ra lệnh để trẻ chia sẻ và bộc lộ. Trẻ ở lứa tuổi này thường muốn “xa dần” cha mẹ. Nếu chúng ta vẫn giữ cách ứng xử với trẻ như khi trẻ còn nhỏ, mối quan hệ này sẽ bị phá vỡ. Cách tốt nhất là cha mẹ đừng quá hoảng hốt, lo lắng mà cần bình tâm chấp nhận trẻ, sau đó gần gũi để định hướng cho trẻ hành vi đúng đắn.

Các chiến lược đối với trẻ gây hấn

- Xây dựng một gia đình hạnh phúc.

- Giáo dục trẻ một cách tích cực.

- Không có bạo lực và xâm hại.

- Đối thoại tích cực với trẻ.

- Định hướng các giá trị trong gia đình. Cùng xây dựng bản tuyên ngôn gia đình với những ràng buộc không có ngôn ngữ/hành vi gây hấn.

- Giáo dục cho trẻ kỹ năng kiểm soát sự giận dữ.

- Tránh cho trẻ tham gia trò chơi bạo lực ngay từ đầu.

......

ThS LÊ MINH CÔNG, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần Trung ương 2

Sáng 18-3, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, ThS Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần Trung ương 2, đã có buổi nói chuyện chuyên đề Chiến lược với trẻ có hành vi gây hấn với các phụ huynh. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi rằng thời gian gần đây con họ hay cãi lại hoặc cố tình làm trái lời cha mẹ khiến họ rất mệt mỏi. ThS Lê Minh Công cho rằng khi trẻ gây hấn, câu hỏi đầu tiên cha mẹ phải tự hỏi là “Tại sao con mình lại làm như vậy?” để từ đó tăng cường thời gian bên con vui chơi, trò chuyện trên cơ sở tôn trọng trẻ, qua đó hiểu được suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ giải quyết vấn đề.

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm