Tàn sát cây bần ổi vì… cả tin!

Vụ việc vỡ lở khi Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện bà Võ Thị Nga (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) thu mua cây bần ổi để bán lại cho thương lái. Người đặt mua là ông Nguyễn Chí Thanh ở TP Bạc Liêu.

Tháng 1-2012, ông Thanh trực tiếp xuống nhà bà Nga đặt mua 100 tấn cây bần ổi với giá thỏa thuận là 50.000 đồng/kg lá, trái; 100.000 đồng/kg thân cành. Ông Thanh đề nghị bà Nga làm đại lý thu mua, có bao nhiêu ông cũng mua hết nhưng trước mắt ông cần gấp 40 tấn.

Thấy cây bần ổi mọc đầy theo các tuyến kênh rạch chẳng ai quan tâm, giờ có giá như thế nên bà Nga gật đầu ngay. Trong vòng một tháng, bà Nga huy động thêm bà con của mình thông báo rộng rãi về việc mua cây bần ổi với giá 15.000 đồng/kg lá, trái, 30.000 đồng/kg thân cành. Thế là người dân ở các xã ven biển Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu ùn ùn đi chặt cây bần ổi để bán. Tin đồn bay xa đến các huyện khác trong tỉnh và nhiều bà con nông dân đua nhau chặt cây. Nhiều người còn góp vốn để đi thu mua hòng bán lại kiếm lời.

Tàn sát cây bần ổi vì… cả tin! ảnh 1

Một cụm rừng bần ổi ở ven biển Trà Vinh. Ảnh: HA

Phía bà Nga đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để thu mua tổng cộng 43 tấn (bản thân bà Nga thu mua 13 tấn, những người thân của bà thu mua 30 tấn). Y hẹn, bà chuyển xe tải lên cho ông Thanh khoảng 13 tấn nhưng ông Thanh… không nhận hàng. Bà nhất quyết không chở về mà để hàng tại nhà ông Thanh kèm theo yêu cầu được thanh toán tiền. Vợ ông Thanh đã đưa cho bà Nga hai lần, tổng cộng 40 triệu đồng tiền vận chuyển, thuê mướn nhân công và không đưa thêm nữa.

Qua điều tra, công an tỉnh xác định ông Thanh tổ chức thu mua cây bần ổi từ yêu cầu của người anh rể ở quận 6, TP.HCM. Người này khai mình được một người ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đặt mua cây bần ổi với số lượng lớn để chế biến thuốc điều trị bệnh và xuất khẩu sang Mỹ. Ông này tự giới thiệu mình đang làm việc ở một công ty cổ phần quốc tế tại TP.HCM.

Cũng như bà Nga với ông Thanh, việc đặt hàng mua bán giữa hai ông chỉ là thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng. Sau khi nhờ nhiều người quen đi thu gom cây bần ổi thì anh rể của ông Thanh không liên lạc được với người đặt hàng. Đến công ty trên hỏi han, ông mới biết người đặt hàng không phải là nhân viên tại đây. Biết bị lừa, ông đã kêu ông Thanh đừng thu mua cây bần ổi nữa. Sau đó ông Thanh thông báo lại cho bà Nga nhưng việc thu mua đã diễn ra trước đó một thời gian và nhiều người dân vẫn tiếp tục thu mua. Hiện Công an tỉnh Bạc Liêu đã chuyển hồ sơ cho Công an TP.HCM để tiếp tục làm rõ.

PGS-TS NGUYỄN HỮU CHIẾM, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ:

Tàn phá rừng bần là việc làm hết sức tai hại

Cây bần ổi cũng thuộc họ bần nhưng trái nhỏ và thơm hơn trái bần bình thường. Bần là một loài cây ngập nước có tác dụng giữ đất, làm rừng phòng hộ chống xói lở ven sông, ven biển; ngoài ra là thảm thực vật rất quan trọng để hấp thụ khí CO2 nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Rừng bần phòng hộ còn có vai trò rất quan trọng trong việc chống đỡ hiện tượng biến đổi khí hậu và giông bão, triều cường tàn phá vùng duyên hải. Dưới tán rừng bần còn có nhiều loài động vật chuyên ăn lá hoặc trái bần chín, điển hình là loài cá tra bần đang ngày càng quý hiếm. Việc tàn sát rừng bần của nhiều hộ dân ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu là hết sức nguy hiểm vì gây ra hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển, làm tuyệt chủng loài cá tra bần quý hiếm, đồng thời làm biến đổi môi trường sinh thái của vùng rừng ngập mặn ven sông, ven biển.

Theo tôi biết cây bần hay bần ổi chẳng có tác dụng chữa bệnh hay làm thực phẩm. Việc tàn phá rừng bần để bán lấy tiền là hành vi phá hoại rừng phòng hộ và hành vi này sẽ mang nhiều hậu quả tai hại cho môi trường sinh thái. Vì lẽ này, các cơ quan chức năng phải nghiêm cấm ngay và điều tra xem ai là kẻ chủ mưu để áp dụng hình thức xử lý phù hợp.

HÙNG ANH ghi

M.NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm