Tạt acid: Tàn độc hơn cả giết người

Sự việc hai nữ sinh Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Miền Nam (TP.HCM) bị hai thanh niên lạ mặt tạt acid đang gây phẫn nộ trong dư luận. Một lần nữa, vấn đề xử lý nghiêm khắc những kẻ gây án lại được đặt ra.

Thường hành vi tạt acid vào người khác bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS). Tùy mức độ thương tật của nạn nhân, kẻ thủ ác có thể bị phạt tù 3-20 năm hoặc tù chung thân. Thật ra, hành vi này hết sức độc ác nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ so với hậu quả khủng khiếp để lại cho nạn nhân.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật, ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương):

Sống không bằng chết

Sức hủy hoại của acid đối với thẩm mỹ, sức khỏe của con người kinh khủng không tả nổi. Một phụ nữ bị tạt acid vào mặt có thể không bao giờ lập gia đình được hoặc gia đình sẽ đổ vỡ, ly tán, họ ra đường không dám để ai nhìn... Họ phải sống trong sợ hãi, mặc cảm tự ti suốt quãng đời còn lại. Nhiều nạn nhân tuy không chết nhưng suốt đời thành tàn phế, phải sống trong đau đớn, mặc cảm về thể xác vì vết thương không phải mau lành lặn, họ còn gánh chịu đau khổ về tinh thần khi cộng đồng, người thân xa lánh... Họ sống không bằng chết.

Vì thế tôi nghĩ cần phải nghiêm trị tội ác này bằng cách tăng hình phạt thật nghiêm khắc hơn nữa. Quy định tại Điều 104 BLHS hiện hành đã không bao quát hết mức độ nghiêm trọng của hành vi này, nên cần có một điều luật mới với quy định khung hình phạt nặng hơn thì mới có tác dụng trừng trị cái ác. Tất nhiên, những trường hợp tạt acid dẫn đến chết người thì phải xử tội giết người.

Sinh viên Hoàng Tăng Thị Thu Hương, nạn nhân bị tạt acid hôm 30-3 đang phải chữa trị tại  BV Chợ Rẫy. Ảnh: DUY TÍNH

LS PHAN NGỌC NHÀN, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk:

Luật hiện hành không ổn!

Hiện nay ngoại trừ những trường hợp tạt acid dẫn đến chết người, hầu hết các trường hợp gây thương tật khác do acid đều bị xử tội cố ý gây thương tích… Như vậy là không ổn! Hậu quả của acid khiến nạn nhân suốt đời phải đau đớn. Acid là loại “hung khí” nguy hiểm còn hơn dao, búa vì hậu quả của nó để lại sự tàn phá trên cơ thể người bị hại rất khủng khiếp. Một vài nhát chém do dao, kiếm gây ra có thể lành, mờ sẹo theo thời gian nhưng chỉ một lượng acid nhỏ lên khuôn mặt là vô phương cứu chữa.

Mặc dù ý thức chủ quan của kẻ gây án là muốn hủy hoại nhan sắc, cơ thể của nạn nhân nhưng bao giờ cũng có sự chuẩn bị, tính toán rất kỹ lưỡng, chọn thời điểm để tấn công. Nhiều vụ hung thủ chờ người bị hại đang tham gia giao thông mới ra tay, nên có khi nạn nhân không chết vì acid mà lại chết vì tai nạn do té ngã hoặc xe tông… Đây chính là yếu tố nguy hiểm mà khi định tội cơ quan tố tụng cần phải lưu ý.

LS NGUYỄN DUY BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần có hướng dẫn để xử nặng hơn

Bản chất, mục đích của hành vi tạt acid là nhằm gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và nhan sắc của con người. Chính vì vậy tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được vận dụng. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, chính xác trong việc định tội và định lượng, tôi nghĩ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần phải có riêng nghị quyết hướng dẫn cụ thể về đường lối giải quyết, xác định chất acid là một phương tiện nguy hiểm hoặc xem đây là một thủ đoạn tàn độc để áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS hoặc xem đây là trường hợp thực hiện tội phạm một cách man rợ theo điểm i khoản 1 Điều 93 BLHS. Mặt khác, khi hướng dẫn áp dụng, nghị quyết cần hướng dẫn đường lối xét xử nghiêm trị và có định lượng cụ thể đối với mỗi loại thương tích do hành vi phạm tội gây nên, tránh áp dụng tỉ lệ chung chung như thực tế đã diễn ra từ trước đến nay.

LS HOÀNG KIM VINH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước:

Hậu quả đến đâu, xử đến đó

Xét về pháp luật hiện hành thì khó nói việc định tội cố ý gây thương tích… với những kẻ tạt acid (nếu không gây chết người) là sai. Các nhà làm luật đã quy định theo hướng hậu quả đến đâu xử lý đến đó, chết người thì truy tố tội giết người, chỉ gây thương tật thì truy tố tội cố ý gây thương tích. Muốn xác định một hành vi là gây thương tích hay giết người, phải căn cứ vào hành vi khách quan, động cơ, mục đích, hậu quả thương tật. Thực tế, nạn nhân bị bỏng do tạt acid thường ít khi bị tử vong. Cạnh đó, ý thức chủ quan của kẻ gây án chỉ là xâm phạm sức khỏe của nạn nhân, hành vi khách quan chỉ gây sát thương và hậu quả của hành vi là không gây chết người. Thế nhưng, hậu quả thương tích đối với các nạn nhân acid quá nặng nề, thương tâm, ám ảnh và hủy hoại cuộc sống của họ suốt đời và tôi thật sự bức xúc, phẫn nộ bởi sự tàn ác của hành vi tạt acid.

Người dân bức xúc

Trên PLO, nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn pháp luật cần điều chỉnh để phạt thật nặng hành vi tạt acid.

Bạn đọc Nguyễn Bích viết: “Những kẻ sử dụng acid để giải quyết mâu thuẫn là những kẻ hèn hạ, mất hết tính người! Đề nghị pháp luật, Nhà nước tăng hình phạt lên mức cao nhất: tử hình. Vì bị tạt acid, mặt mũi, tay chân, hình hài của người bị hại trông thật thảm hại, cuộc sống, tương lai gần như xa cách với họ”.

Bạn đọc Quang Vinh đề xuất: “Cần có quy định quản lý đặc biệt với acid. Phải xem đây là mặt hàng đặc biệt như chất nổ, chỉ những người có đăng ký hành nghề mới được mua bán và tích trữ. Nạn nhân của tạt acid sống không bằng chết. Nếu luật chưa đủ nghiêm trị thì phải thay đổi luật vì “nhẹ tay với kẻ ác chính là hành vi độc ác với người dân lương thiện”.

12 năm tù, kêu ca rằng quá nặng: Tháng 3-2015, TAND TP Hà Nội đã xử phúc thẩm, tuyên phạt Nguyễn Xuân Danh (36 tuổi, quê Hưng Yên) 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích do đã tạt acid vào mặt vợ. Vợ Danh được đưa đi cấp cứu và bị bỏng nặng ở mặt, thương tích 53%. TAND quận Tây Hồ xử sơ thẩm phạt Danh 12 năm tù. Danh kháng cáo vì cho rằng mình bị xử quá nặng, còn vợ Danh kháng cáo cho rằng xử tội cố ý gây thương tích là không thỏa đáng mà phải chuyển tội danh sang giết người.

Mẹ con đều “tàn đời” nhưng cũng chỉ là “cố ý…”: Cuối năm 2015, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Năm (30 tuổi, ngụ xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, Cần Thơ) sáu năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Năm và chị C. từng có tình cảm với nhau. Đầu năm 2015, hai người xảy ra mâu thuẫn, Năm tìm cách trả thù, dùng acid tạt vào người chị C. và con chị mới 14 tuổi. Kết quả giám định cho thấy con chị C. bị thương tích 69%, chị C. bị thương tích 34%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm